Nghiên cứu từ khóa để viết JD chuẩn SEO như thế nào?

Cách nghiên cứu từ khóa cho Bản mô tả công việc
marketing foundation

Tomorrow Marketers – Nếu ứng viên chẳng thể tìm được tin tuyển dụng của bạn trên Google, thì việc đăng thông tin lên website thật vô ích. Để tình huống này không xảy ra, bạn có thể tận dụng SEO để làm cho trang tuyển dụng của bạn xuất hiện với thứ hạng cao hơn khi ứng viên tìm việc qua Google.

Một phần quan trọng để tối ưu SEO khi viết JD hiệu quả chính là nghiên cứu từ khóa. Trong bài viết này, Tomorrow Marketers sẽ giúp bạn hiểu khái niệm Nghiên cứu từ khóa khi làm SEO, cũng như từng bước thực hiện quá trình đó.

Tại sao cần Nghiên cứu từ khóa khi làm SEO?

Từ khóa là đoạn văn bản mà bạn nhập lên Google để tìm kiếm các thông tin về chủ đề mình quan tâm. Sau khi bạn nhấn Enter, từ khóa này giống như kim chỉ nam để Google tìm ra những trang web cung cấp các nội dung liên quan. Nếu nội dung từ các trang web này càng liên quan đến ý định tìm kiếm của bạn (Google dựa trên từ khóa và nhiều tiêu chí khác để đánh giá), nó sẽ được xếp hạng càng cao để bạn dễ tìm thấy. 

Vì những từ khóa này xuất phát từ nhu cầu tìm kiếm của người dùng, sẽ có những từ khóa nhận được nhiều lượt tìm kiếm hơn các từ khoá khác. Vậy nên, đối với bản mô tả công việc, bạn nên viết nội dung có bao gồm từ khóa thông dụng với ứng viên. Nếu không, họ sẽ không tìm thấy JD của bạn khi tìm kiếm trên Google. Giả sử bạn tự sáng tạo tên gọi cho vị trí Content Writer là “Phù thủy chơi chữ”, sẽ rất ít hoặc chẳng có ứng viên nào tìm thấy JD của bạn cả vì họ không dùng những từ như vậy để tìm việc. Để xác định và lựa chọn ra từ khóa thông dụng ứng viên, bạn sẽ cần thực hiện nghiên cứu từ khóa.

Nghiên cứu từ khóa là quá trình xác định và lựa chọn các từ khóa nhận được nhiều lượt tìm kiếm và truy cập vào trang web. Để lựa chọn được các từ khóa như vậy, bạn sẽ cần nhìn vào các chỉ số như: 

  • Search Volume (Số lượng tìm kiếm): Số lượng tìm kiếm trung bình trong tháng của một hoặc một cụm từ khóa nhất định.
  • Competition Level/ Keyword difficulty (Mức độ cạnh tranh): Chỉ số cho thấy độ khó trong việc xếp hạng từ khóa đó.

04 bước thực hiện nghiên cứu từ khóa SEO

Bước 1: Liệt kê một vài từ khóa liên quan đến vị trí cần tuyển

Chuẩn bị trước một danh sách từ khóa sẽ đóng vai trò như hạt giống để gieo mầm cho quá trình nghiên cứu từ khóa của bạn. 

Để tạo danh sách từ khóa đó, hãy nghĩ về vị trí mà bạn đang cần tuyển và liệt kê ra các từ khóa liên quan đến các mục như: chức danh công việc, kinh nghiệm làm việc, các tiêu chí cần đáp ứng,… Lấy thử ví dụ của vị trí Digital Marketing Executive:

  • Chức danh công việc: Chuyên viên Digital Marketing, Chuyên viên Tiếp thị Kỹ thuật số,…
  • Kinh nghiệm làm việc: Không yêu cầu kinh nghiệm/ Mới ra trường/ Được đào tạo từ đầu
  • Các kỹ năng cần có: Tốt nghiệp ngành Marketing/ Truyền thông

Trong trường hợp bạn không biết quá nhiều về chân dung của ứng viên mục tiêu, hãy ngỏ ý yêu cầu sự giúp đỡ từ Hiring Manager hoặc một nhân sự đồng cấp với vị trí cần tuyển để cùng làm việc này.

Bước 2: Tìm kiếm những từ khóa liên quan

Từ danh sách từ khóa hạt giống mà bạn đã tự hoàn thiện, bạn có thể bắt đầu tìm kiếm thêm các từ khóa thay thế của chúng. Lý do là bởi, ứng viên không tìm công việc chỉ với 1 từ khóa duy nhất. Chẳng hạn, với vị trí Digital Marketing nhưng ứng viên có thể tìm việc với ít nhất 3 từ khóa sau: “Chuyên viên Digital Marketing”, “Chuyên viên tiếp thị kỹ thuật số”, hoặc “Digital Marketing Executive”

Cách làm đơn giản nhất là điền từ khóa vào thanh tìm kiếm và ghi lại những từ khóa mà Google đề xuất tự động.

Gợi ý từ khóa từ Google với từ khóa “Chuyên viên Digital Marketing” tại thanh tìm kiếm
Gợi ý từ khóa từ Google với từ khóa “Chuyên viên Digital Marketing” tại cuối trang Kết quả tìm kiếm

Một cách làm nâng cao hơn mà bạn có thể áp dụng là sử dụng các công cụ như Google Keyword Planner hoặc Keywordtool.io. Các công cụ này sẽ gợi ý nhiều từ khóa thay thế hơn là đơn thuần dựa vào gợi ý từ trang kết quả tìm kiếm. Trong bài viết này, TM sẽ hướng dẫn bạn thực hiện bằng công cụ Google Keyword Planner.

Sau khi đăng nhập vào Google Keyword Planner bằng tài khoản Gmail của mình, bạn hãy chọn phần Tools & Setting tại thanh menu. Tại mục Planning, chọn mục Keyword Planner để sử dụng công cụ nghiên cứu từ khóa.

Sau đó, bạn chọn tiếp như hướng dẫn tại hình bên dưới.

Đến thấy giao diện như hình bên dưới, bạn có thể nhập các từ khóa mà bạn có vào công cụ này và nhấn Get Result để nhận lại danh sách từ khóa tương đồng.

Danh sách kết quả được trả lại sẽ được hiển thị như hình bên dưới.

Danh sách từ khóa thay thế cho từ khóa “Chuyên viên Digital Marketing” từ Google Keyword Planner

Bước 3: kiểm tra tần suất tìm kiếm và mức độ cạnh tranh của người dùng với mỗi từ khóa

Khi đã hoàn thiện một bản danh sách từ khóa khá đầy đủ để viết bài đăng tuyển dụng của mình, bạn sẽ cần kiểm tra xem từ khóa nào sẽ giúp website của bạn có được nhiều lượt truy cập nhất. Để có được thông tin này, bạn sẽ cần kiểm tra các chỉ số như Search Volume, Keyword Difficulty/ Competition Level,… của từng từ khóa. Lúc này, bạn sẽ cần đến sự trợ giúp của các công cụ nghiên cứu từ khóa.

Tiếp nối cách sử dụng Google Keyword Planner, sau khi nhận lại được danh sách kết quả từ khoá, Google Keyword Planner cung cấp cho bạn dữ liệu về số lượt tìm kiếm trung bình mà từ khóa đó nhận được hàng tháng, và mức độ cạnh tranh của nó.

Kết quả tra cứu từ khóa “Tuyển nhân viên Digital Marketing” trong Google Keyword Planner

Trong trường hợp lý tưởng nhất, những từ khóa mà bạn chọn sẽ là những từ có lượng tìm kiếm cao và mức độ cạnh tranh thấp. Khi lựa chọn những từ khóa có tiêu chí như vậy, JD của bạn sẽ không phải cạnh tranh với quá nhiều công ty khác, gia tăng cơ hội ứng viên tìm thấy JD của bạn. Trong hình minh họa bên trên, bạn có thể thấy, từ khóa hạt giống mà bạn điền “tuyển nhân viên digital marketing” chỉ có 10 – 100 lượt tìm kiếm một tháng, với mức độ cạnh tranh medium. Trong khi đó những từ khóa như “việc làm digital marketing”, “tuyen dung digital marketing”, hay “chuyên viên digital marketing” có lượt tìm kiếm cao hơn nhiều lần (100 – 1000/tháng) với mức độ cạnh tranh thấp hơn. Như vậy, bạn có thể thay thế từ khóa “tuyển nhân viên digital marketing” thành “việc làm digital marketing”.

Đọc thêm: Keyword Research: Nghiên cứu từ khóa hiệu quả cho SEO và PPC với Google Keyword Planner

Bước 4: Khéo léo lồng ghép từ khóa đã được chọn lọc vào bài đăng tuyển dụng

Khi đã có trong tay danh sách từ khóa được chọn lọc kỹ lưỡng, bạn có thể bắt tay vào viết bản mô tả công việc cho vị trí đó. Khi viết JD, hãy nhớ đặt từ khóa có chứa Chức danh công việc nhận được nhiều lượt tìm kiếm nhất vào phần tiêu đề trang web (Meta-title). Bởi, theo một số chuyên gia về SEO, khi xếp hạng nội dung, Google sẽ đánh giá cao mức độ liên quan giữa từ khóa của tiêu đề bài viết (phần hiển thị trên SERP khi người dùng tìm kiếm) và cách người dùng tìm kiếm.

Cách hiển thị của Meta-title

Đọc thêm: Viết JD chuẩn SEO thế nào? Đừng để JD mãi lạc trôi giữa hàng trăm kết quả tìm kiếm Google!

Theo các chuyên gia về SEO, Google sẽ đánh giá cao về mức độ liên quan giữa từ khóa trong URL và ý định tìm kiếm của người dùng. Vậy nên, khi đã đặt xong phần tiêu đề, bạn sẽ cần tối ưu thêm phần URL của Website. Phần URL của website không nhất thiết phải là một câu hoàn chỉnh, nên nếu từ khóa của bạn là một cụm từ có nghĩa hoàn chỉnh, bạn có thể sử dụng keyword đó để tạo URL.

Cách đặt URL cho bài đăng tuyển dụng

Một vài lưu ý khi tạo tin tuyển dụng trên Website

Tránh nhồi nhét từ khóa vào Bản mô tả công việc

Đồng ý rằng việc sử dụng từ khoá để đẩy cao thứ hạng tìm kiếm là không sai, nhưng bạn không nên lạm dụng quá. Nếu bạn chèn quá nhiều từ khóa làm cho câu trở nên gượng gạo, bài viết của bạn sẽ bị công cụ tìm kiếm đánh dấu là “nhồi nhét từ khoá” và rất khó để đạt xếp hạng cao. Hãy chỉ nên đặt từ khoá khéo léo để câu không mất đi giọng văn tự nhiên.

Không copy nội dung từ bài đăng tuyển dụng của công ty khác

Với các vị trí có cấp bậc không quá cao, không cần đề cập các yêu cầu đặc thù của công ty, bạn có thể sẽ vô tình sao chép nội dung JD của công ty khác và đăng lên trang tuyển dụng của mình. Nếu làm như vậy, bên cạnh việc không tôn trọng nội dung của tác giả, đây là một điều cấm kỵ khi làm SEO. Dù là Google hay bất cứ công cụ tìm kiếm nào, họ cũng không thích việc sao chép hoặc đạo nhá nội dung và xếp hạng chúng ở vị trí rất thấp. Bạn có thể tham khảo về cách trình bày nội dung JD của các HR khác, nhưng hãy luôn giữ tư duy là phải tạo sự độc bản cho nội dung của mình. 

Để kiểm tra tính độc bản của nội dung trước khi đăng tải, bạn có thể sử dụng smallseotools.com

Tạm kết

Nghiên cứu từ khóa là một cách hiệu quả khi thực hiện tối ưu SEO cho JD để đảm bảo rằng sẽ có nhiều ứng viên tìm thấy trang tuyển dụng của bạn. Để tìm hiểu thêm về cách ứng dụng Digital Marketing vào tạo nguồn ứng viên, tìm hiểu ngay của Tomorrow Marketers. Trong 8 buổi học, Trainers sẽ cùng học viên tìm hiểu 03 nội dung chính:

  • Employer Branding – Xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng
  • Candidate Sourcing – Cách tạo nguồn ứng viên
  • Candidate Qualifying – Đánh giá chất lượng ứng viên.

Tham gia khoá học Employer Branding & Hiring để xây dựng thương hiệu tuyển dụng & tăng trưởng nguồn ứng viên cho doanh nghiệp của bạn. .

Tagged: