Cựu quán quân nói gì về chìa khoá giải Case? – Phỏng vấn chị Mỹ Linh, Former Key Account Manager, P&G

marketing foundation

Tomorrow Marketers – Chắc hẳn các bạn đã theo học khóa Case Mastery của Tomorrow Marketers đều biết khá rõ về chị Mỹ Linh. Chị hiện tại đang là một trong những trainers được mến mộ nhất của khoá học. Bên cạnh việc giảng dạy tại TM, chị cũng đảm nhiệm vị trí Senior Market Analyst tại UZABASE Singapore và là Former Key account manager tại P&G. Chị Mỹ Linh cũng là là cựu quán quân tại cuộc thi Nielsen Case Competition và Bản lĩnh Marketer. Cùng TM lắng nghe đôi lời tâm sự từ chị Linh ngay bây giờ nhé.

Chắc hẳn chị đã bỏ không ít công sức và thời gian cho các cuộc thi. Vậy chị có thể chia sẻ với TM và các bạn trẻ hành trình chị đến với các cuộc thi. Động lực nào khiến chị vừa học vừa chinh phục được các cuộc thi như vậy?

Sau những năm làm việc tại nhiều vị trí, cả trong những công ty khởi nghiệp lẫn những tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới tại Việt Nam, Nhật Bản và Singapore, chị càng thấy rằng với chị thì giải case là một trong những kỹ năng quan trọng nhất, có thể giúp chị hoàn thành công việc một cách hiệu quả hơn. Những năm đầu đại học, vì tập trung học, tham gia CLB và đi làm thêm nên chị không thi thố gì, thật ra cũng do lười nữa.

Đến cuối năm 3, chị được đứa bạn rủ đi thi bản lĩnh Marketers. Đây là cuộc thi đầu tiên chị tham gia, sau đó là Nielsen Case Competition 2015. Chị đã cùng đồng đội vô địch hai cuộc thi này nhờ chăm chỉ rèn luyện kỹ năng giải case. Ban đầu, chị cũng phân vân lắm. Chị nghĩ chắc chẳng thắng được đâu, nhưng vẫn quyết định thử xem sao. Lúc đó, bọn chị chỉ đơn thuần nghĩ rằng thua thì cũng không có mất gì. Thật vậy, với các cuộc thi và những lần phỏng vấn, dù chúng ta thất bại thì cũng chả sao cả. Họa chăng là mất thời gian, nhưng chị nghĩ đó không phải là lãng phí, vì chúng ta sẽ học hỏi được nhiều điều.

Chị muốn nói với chính mình và các bạn một câu: “Hãy cảm ơn bản thân vì đã dám thử”.

Thật ra, chị nghĩ rào cản lớn nhất khiến chúng ta đôi khi không dám thử sức là cảm giác sợ thất bại, vì thất bại khiến chúng ta cảm thấy bản thân thật kém cỏi, tệ hại. Chắc cũng như cảm giác thất tình hay bị đá. Nhưng về sau, chị mới nhận ra rằng có rất nhiều lý do khiến chúng ta thất bại, thay vì tự trách bản thân thì hãy cảm ơn chính mình vì đã có dũng khí để thử.

Chị rất thích câu chuyện về Harland Sanders, nhà sáng lập KFC. Có giai thoại kể rằng sau khi nghỉ hưu ở tuổi 65, ông đã định tự tử vì cảm thấy bản thân mình là một kẻ thất bại. Nhưng trong lúc viết di chúc, ông chợt nhớ ra rằng ông nấu ăn rất ngon, và đó là điều khiến ông tự hào nhất. Do đó, ông đã quyết định gõ cửa từng nhà để chào bán món gà rán của mình. Sau nhiều thất bại thì ông đã thành công với đế chế KFC khổng lồ.

Những lúc chán nản và thấy bản thân mình kém cỏi, chị lại nghĩ “Mỗi người có một con đường và tốc độ khác nhau. Mình đang học hỏi được rất nhiều thứ và hạnh phúc với con đường của mình, vậy nên không cần phải so sánh với người khác.”

Sau khi đã xốc lại tinh thần thì hãy ngẫm xem tại sao lần này mình chưa thành công, mình có thể cải thiện điều gì cho lần sau? Có thể lần này các em chưa vượt qua được cuộc thi này, nhưng chắc chắn các em đã trở thành một phiên bản tốt hơn của bản thân mình để sẵn sàng đương đầu với những thử thách mới.

Sau những cuộc thi cam go ấy, không biết chị đã nhận được những gì?

Phải nói là, cuộc thi nào cũng đều phải có kẻ thắng người thua. Nhưng chị thấy rằng chỉ cần chúng ta không bỏ rơi chính mình, chúng ta luôn luôn là người thắng cuộc (ít nhất là chiến thắng chính bản thân mình). Song song với đó, chị nhận được rất nhiều giá trị sau mỗi cuộc thi chị tham gia.

Thứ nhất là sự tự tin

Cuộc thi này đã giúp chị trở nên năng động hơn rất nhiều. Sau đó, chị đã mạnh dạn thử tham gia nhiều hoạt động hơn, và đã vượt qua chương trình Dream Internship của P&G và vô địch Nielsen Case Competition. Vào năm cuối thì chị đi thực tập ở Nhật 6 tháng theo chương trình Global Talent của AIESEC. Chị nghĩ Bản lĩnh Marketers là bước ngoặt giúp chị lột xác, là thành công nho nhỏ đầu tiên giúp chị tự tin hướng đến những mục tiêu lớn hơn. Chị đã học cách để thể hiện quan điểm riêng đồng thời khuyến khích để mọi thành viên đều đóng góp ý kiến. Chị nghĩ kỹ năng tranh luận văn minh, dựa trên dữ liệu thay vì xung đột cá nhân cũng rất quan trọng. Sau những cuộc thi này, chị đã mạnh dạn thử tham gia nhiều hoạt động hơn, và đã vượt qua chương trình Dream Internship của P&G rồi nhận được lời mời trở thành quản lý tại P&G ngay từ trước khi tốt nghiệp.

Thứ hai là sự quyết tâm

Các cuộc thi đã giúp chị quen với cường độ làm việc cao, tăng tính kỷ luật. Thật ra, chị nghĩ để thành công thì sự quyết tâm và kiên trì có khi còn quan trọng hơn tài năng. Các cuộc thi đều có deadline nhất định, và để hoàn thành bài thi, chị và các bạn đã có những đêm thức trắng ở quán cafe 24h để làm bài (vì ở nhà chỉ muốn ngủ, không tập trung được). Dĩ nhiên chị không khuyến khích lối sống phản khoa học này, nhưng đôi khi nghĩ lại thì đó là những kỷ niệm đẹp.

Tiếp theo, chị đã nâng cao được cả kiến thức và kỹ năng

Chị học được cách giải một business case thực tế, biết cách phối hợp làm việc nhóm, phân tích, thuyết trình trước đám đông,…Đây cũng là những kỹ năng rất cần thiết cho công việc trong tương lai. Và đó cũng là những kỹ năng giúp bạn trở nên khác biệt nếu thuần thục.

Và cuối cùng, chị rất may mắn vì mở rộng được các mối quan hệ và tăng cơ hội việc làm sau cuộc thi

Thường thì sau khi thắng các cuộc thi, sẽ có nhiều công ty để mắt đến bạn và gia tăng cơ hội tìm việc. Có khi bạn sẽ được nhận vào làm luôn cho các công ty tài trợ. Đây cũng là dịp để làm quen với các giám khảo, phần lớn là các chuyên gia trong ngành, cũng như các bạn đồng trang lứa nhiệt huyết và giỏi giang. Cũng nhờ thế mà chị có thể làm những công việc khác nhau trong mảng kinh doanh, ví dụ như Sales, Marketing, Market research, Business Development, Project Management, hay thậm chí là vận hành công việc kinh doanh nho nhỏ của chính mình. Cũng nhờ kỹ năng giải case và phân tích mà chị đã nhận được lời mời làm việc tại Singapore.

Hiện nay, có rất nhiều các cuộc thi lớn nhỏ khác nhau. Các bạn trẻ chưa có kinh nghiệm hay đủ kiến thức sẽ dễ bị hoang mang và lạc lối. Vậy đứng ở cương vị là cựu quán quân, chị có thể bật mí cho TM và các bạn một số bí quyết để chinh phục được các cuộc thi?

Thứ nhất, phải nói teamwork là một kỹ năng bắt buộc trong các cuộc thi. Vì vậy, việc đầu tiên bạn cần chú ý tới là chọn cho mình một team phù hợp. Hãy tìm hiểu xem với cuộc thi này thì cần những kỹ năng nào, hãy chọn các thành viên bổ trợ lẫn nhau để lập ra một đội mạnh. Ví dụ như có một bạn sáng tạo, một bạn giỏi phân tích. Hay như chị nghe mấy đứa bạn bên ngành IT kể thì khi đi thi, trong team sẽ có những kỹ năng phong phú, người thì biết làm app, người thì giỏi thuyết trình,…

Thứ hai, khi đã vào được đến những vòng khó nhằn phía sau, bạn hãy đọc thật kỹ đề bài, nắm rõ yêu cầu, cách tính điểm. Hãy nghiên cứu thêm để tìm hiểu về client, về thị trường và về ngành hàng. Chị đã học các bước giải case cũng như cách phân chia thời gian hợp lý. Thường thì các cuộc thi đều bị giới hạn về thời gian, có lúc bạn phải đưa ra giải pháp chỉ trong mấy chục phút ngắn ngủi, do đó nếu không quen thì thường sẽ luống cuống và bị hết giờ. Hãy đặt mình vào vị trí ban giám khảo/ nhà tài trợ/ doanh nghiệp trong bài xem nếu một công ty tư vấn đưa ra gói giải pháp như vậy cho mình thì mình có hài lòng không? Còn điều gì vướng mắc hay cần làm rõ hơn không?

Thứ ba, luyện thuyết trình thật nhuẫn nhuyễn là một vũ khí lợi hại quyết định phần thắng của bạn.Tác phong tự tin nhưng không kiêu ngạo, ăn mặc gọn gàng, lịch sự. Chị luôn học thuộc và luyện đi luyện lại bài thuyết trình để nói tự nhiên, trôi chảy. Kể cả với những bài thuyết trình ở trường, chị không bao giờ cầm giấy đọc cả. Để tránh rủi ro thì các thành viên đều nên nắm rõ bài thuyết trình, để khi một thành viên bị “lệch sóng” thì có thể ngay lập tức hỗ trợ bạn ấy. Hãy làm bài thuyết trình của mình trở nên thú vị, truyền cảm hứng, nói năng mạch lạc, dễ nghe, khuôn mặt vui vẻ, tràn đầy năng lượng (đây là cảm nhận của cá nhân mình).

Hơn nữa, kỹ năng phân tích dữ liệu là yêu cầu bất biến trong các cuộc thi. Vậy nên hãy luyện tập nhuần nhuyễn và học cách đưa ra các giải pháp phù hợp. Thường trong đề thi sẽ đưa ra rất nhiều dữ liệu, cần biết cách chọn ra những dữ liệu quan trọng, liên quan đến vấn đề cần giải quyết, sau đó phân tích và đề xuất giải pháp phù hợp. Đặc biệt, bạn rất nên xây dựng mạch câu chuyện hợp lý, thống nhất, giải quyết được hết các vấn đề trong bài.

Đọc thêm: Recap webinar: Hướng dẫn đọc và phân tích dữ liệu cho người mới bắt đầu

Cuối cùng, để chuẩn tinh thần được vững vàng hơn, bạn hãy dự tính những câu hỏi ban giám khảo sẽ đưa ra. Hãy đặt mình vào vị trí client và ban khám khảo để xem họ sẽ muốn hỏi thêm gì trong bài thuyết trình của mình. Do thời gian thuyết trình có hạn nên đây là một cơ hội để các em nói thêm về ý tưởng của mình với ban giám khảo. Đối với cá nhân chị, chị thường tích lũy kiến thức đa ngành qua những kênh thông tin uy tín ví dụ như tổng cục thống kê, World Bank, hay website chính thức của các bộ, ngành.

Ngoài ra, chị thường đọc báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường như Nielsen, Kantar Worldpanel hay Euromonitor, cũng như phân tích ngành của các công ty chứng khoán. Một nguồn cực kỳ hữu ích khác là báo cáo thường niên của các công ty đầu ngành, ví dụ muốn hiểu thêm về ngành sữa thì các bạn có thể đọc báo cáo của Vinamilk, vì thường trong đó sẽ có phần tổng quan thị trường toàn ngành, ví dụ như tình hình sản xuất, tiêu thụ, xu hướng mới cũng như tình hình kinh doanh của công ty và kế hoạch sắp tới.

Để khép lại buổi chia sẻ ngày hôm nay, không biết chị Linh còn điều gì muốn gửi gắm đến các bạn trẻ sắp bước chân vào các cuộc thi nảy lửa này?

Một trong những điều chị tâm đắc nhất sau cuộc thi là có thể áp dụng kỹ năng giải Case để giải quyết những vấn đề cá nhân chứ không chỉ trong công việc. Thế nên, khi có bất cứ vấn đề gì xảy ra thì mình vẫn có thể bình tĩnh giải quyết. Vậy nên, tham gia và được tự mình giải quyết các Case Study thực tế sẽ không làm các bạn phải hối hận, càng không cảm thấy thời gian trôi đi thật vô nghĩa.

Chị cũng từng nhận được câu hỏi là nếu không vô địch các cuộc thi thì có cơ hội vào các công ty tốt không? Kỳ thực thì có nhiều thứ khác để làm giàu kinh nghiệm của các em. Ví dụ như các hoạt động ngoại khoá, thực tập, hay những chương trình cho giới trẻ. Lúc chị mới vào P&G thì đồng nghiệp của chị không phải ai cũng từng thi thố thời sinh viên dù có tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa khác, tất nhiên thời của chị chưa có nhiều cuộc thi như bây giờ. Vì vậy, các bạn không cần lo lắng quá nhiều.

Điều kỳ diệu là khi đã dám thử một lần, thì chúng ta sẽ có thêm dũng khí để thử sức thêm nhiều lần nữa. Hãy kiên nhẫn tích lũy những thành công nho nhỏ, và khi đã có thêm kiến thức và kỹ năng thì chúng ta sẽ có những thành công lớn dần.

Tạm kết

Chắc chắn những chia sẻ của chị Mỹ Linh hôm nay sẽ “tiếp lửa” thêm cho các bạn trên hành trình chinh phục các cuộc thi giả Case hay Management Trainee. Nhưng để đi đường dài bạn cần mài dũa bản thân và thực hành nhiều nhất có thể. Và khoá Case Mastery của TM, được thiết kế đặc biệt cho bạn trải nghiệm mô phỏng như thi thật, bạn sẽ được nghe nhận xét chi tiết từ dàn ban giám khảo “cực chất” đến từ các tập đoàn đa quốc gia và cựu quán quân các cuộc thi giải Case.  Hãy nhanh tay đăng ký khoá học Case Mastery của TM ngay hôm nay.

Bài viết thuộc bản quyền của TM, vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức.

Tagged: