Tomorrow Marketers – Mỗi năm một lần, các tập đoàn đa quốc gia (Multinational Corporation – MNC) hàng đầu tại Việt Nam đều mở chương trình Quản trị viên tập sự (Management Trainee), đây là cơ hội quý giá cho những bạn sinh viên có đam mê trong ngành Marketing được thể hiện mình và thực hiện ước mơ trở thành Brand Manager. Khác với các chương trình tuyển dụng khác, những ứng cử viên tham gia chương trình quản trị viên tập sự sẽ được đào tạo theo một chương trình riêng đặc biệt trong vòng 2 – 3 năm, với rất nhiều các cơ hội phát triển bản thân và thăng tiến nhanh trong sự nghiệp.
Đọc thêm: Mindset & Skillset của một Brand Manager
Nhưng, con đường tốt nhất cũng chính là con đường nhiều người cạnh tranh nhất. Ước tính mỗi năm có từ 2000 đến 4000 bạn sinh viên ứng tuyển vào chương trình Management Trainee của các tập đoàn hàng đầu như Unilever, Nestlé, British American Tobaco, Coca-Cola, Suntory Pepsico, Friesland Campina… và con số đỗ vào chương trình chỉ vỏn vẹn từ 3 – 20 tùy từng công ty và tùy từng thời điểm. Vậy làm thế nào để nổi bật giữa hàng ngàn ứng viên như vậy? Chúng ta hãy cùng xem mô hình tuyển dụng của chương trình và một số lời khuyên nho nhỏ cho từng vòng nhé!
Đọc thêm: Phải nỗ lực thế nào mới đỗ được Management Trainee?
I. Application form (vòng CV)
Đây là vòng khởi đầu của hầu hết những chương trình tuyển dụng. Đa phần đơn tuyển sẽ được bung ra khoảng từ tháng 1 đến tháng 3, cá biệt có một vài công ty đợi đến tầm tháng 6, 7 mới chính thức mở đơn. Mốc thời gian này thường cố định qua các năm, nên khi đã biết trước, bạn hãy sắp xếp công việc hợp lí nhất cho giai đoạn này. Tránh tình trạng sau này tiếc nuối: “Chết rồi, hồi đó bận quá, không kịp nộp đơn”. Nhà tuyển dụng sẽ lướt qua hàng nghìn CV để đánh giá xem bạn có xứng đáng vào vòng tiếp theo hay không. Vì vậy, trong vòng này, bạn cần chú ý trình bày thật ngắn gọn và súc tích, làm nổi bật những gì công ty cần ở bạn cũng như những gì bạn đã đạt được: khả năng lãnh đạo, những thành tựu bạn đã đạt được, chứng minh bằng con số cụ thể để cho nhà tuyển dụng thấy bạn là người quan tâm đến kết quả….
Đọc thêm: Hướng dẫn viết CV nổi bật hơn trong vòng Application Form
Cụ thể hơn, TM xin trích dẫn chia sẻ của bạn Nguyễn Thị Bảo Minh, về những chuẩn bị của bản thân và kinh nghiệm trong từng vòng thi tuyển Management Trainee. Bạn Bảo Minh đã trúng tuyển vào chương trình Quản trị viên tập sự ở 3 công ty: Prudential, Masan Consumer và Nestlé. Chia sẻ này được trích dẫn từ Ybox.vn.
Nên chuẩn bị cho vòng CV như thế nào?
- Bạn hãy cập nhật lại CV sao cho đẹp hơn, thông tin chắt lọc, giá trị hơn.
- Chuẩn bị File scan PDF bảng điểm chính thức từ trường Đại học.
- Bạn dự kiến sẽ nộp bao nhiêu chương trình Management Trainee? Nộp đại trà hay chỉ chọn lọc? Lựa chọn là do bạn, nhưng ngay từ đầu, hãy tìm động lực cho bản thân thật rõ ràng. Vì sao bạn muốn vào công ty đó? Bạn đánh giá cao điểm nào của công ty kia?
- Hãy tự viết ra 01 file word, tạm đặt tên là “Reflection”. Trong 4 năm Đại học, bạn đã làm những gì, ở đâu, với ai, tham gia cái gì, tổ chức nào… Có những chuyện vui buồn gì đã xảy ra, bạn đã hành động ra sao, mọi người suy nghĩ hoặc nhận xét gì về những điều đó. Hoàn thành file này có thể tốn kha khá thời gian để nhớ lại và viết xuống hết.
Trong file bạn Minh đã thực hiện, có chia làm 5 mục:
1. Về bản thân: Bạn thích gì? Ghét gì? Bạn có những nguyên tắc nào trong cuộc sống? Bạn mong muốn trở thành người thế nào? 5 năm nữa, bạn muốn mình đang ở vị trí nào, làm được gì rồi, theo đuổi ngành nghề nào, tại sao?
2. Quá trình học tập: Bạn có đạt được thành tích gì nổi trội? Có tham gia nghiên cứu khoa học? Hay có thích đặc biệt môn nào đó trong trường? Có bài thuyết trình nào được thầy cô khen tấm tắc? …
3. Hoạt động ngoại khóa: Bạn có tham gia CLB – Đội – Nhóm nào? Vai trò và đóng góp của bạn? Những điều bạn học được từ nơi đó? Có tình huống làm việc nhóm nào khiến bạn nhớ mãi? Có lần nào bạn được dẫn dắt một nhóm người?… Trong tiêu chí tuyển chọn của Management Trainee, luôn có phần đánh giá kĩ năng làm việc nhóm và khả năng lãnh đạo của thí sinh. Do đó, chuẩn bị mục số 3 này càng kĩ, bạn càng dễ tỏa sáng hơn trong các vòng loại.
4. Công việc làm thêm bán thời gian: Bạn có từng làm phục vụ bàn, nhân viên bán vé xem phim hay trợ giảng tiếng Anh? Bạn học được gì từ công việc đó, và những người xung quanh? Công việc đó giúp bạn rèn luyện thêm về kĩ năng nào? …
5. Các kì thực tập: Kì thực tập đó giúp bạn nhận ra những điều khác biệt nào giữa thực tế và sách vở? Kì thực tập cho bạn kĩ năng hay kiến thức gì? Và nó có cho bạn thêm lợi thế gì khi tham gia thi tuyển MT? Phần này cũng quan trọng không kém. Những kì thực tập giúp bạn có tác phong làm việc chuyên nghiệp hơn, cập nhật được tình hình chung của thị trường, và định hướng bản thân rõ hơn, trong việc bạn thích hay không thích công việc nào.
Vượt qua được vòng này, bạn sẽ đến vòng thứ 2…
II. Aptitude test/ IQ test (vòng kiểm tra tư duy)
Mỗi công ty sẽ có các dạng test khác nhau và thường sẽ kiểm tra khả năng nhanh nhạy với con số, khả năng đọc hiểu, logical, reasoning. Trong vòng này, thường thời gian sẽ rất sát nút và bạn cần phải căn thời gian, bình tĩnh và tập trung để có được câu trả lời chính xác nhất và tất nhiên là cần trau dồi và chuẩn bị kiến thức từ trước đó rất lâu.
Để chuẩn bị cho vòng này, bạn có thể luyện tập trước bằng cách tìm trên mạng (ví dụ trang web indiabix.com hoặc theo dõi chuyên mục Thử sức giải đề trong group Business & Marketing Case – Tomorrow Marketers,…) Có nhiều dạng câu hỏi trong Aptitude test, nhưng thường gặp nhất là: đọc hiểu bảng biểu, hình vẽ và tìm số/ hình tiếp theo đáp ứng được quy luật đề bài. Với phần này, cách duy nhất để chuẩn bị là luyện tập thật nhiều để quen tay quen mắt thôi.
III. Initial Interview
Đây sẽ là lần đầu tiên bạn được gặp và phỏng vấn với nhà tuyển dụng. Trong vòng này, bạn sẽ được đánh giá rất nhiều qua các yếu tố như tính cách, khả năng lãnh đạo, giải quyết vấn đề hay mức độ phù hợp với văn hóa công ty.
Đọc thêm: Vòng Initial Interview, Assessment Camp và Final Interview cần kiến thức Marketing gì?
Chuẩn bị cho vòng này như thế nào?
- Nói thế nào? (How?) Có rất nhiều bài báo hướng dẫn bạn cách ăn mặc, cách điều chỉnh giọng nói ánh mắt ở mỗi buổi phỏng vấn. Hãy tận dụng Google nhé.
- Nói cái gì? (What?) Hãy chuẩn bị cho phần này bằng cách lên mạng tìm những câu hỏi thường gặp trong buổi phỏng vấn. Cứ đọc thử câu hỏi trước, và suy nghĩ xem mình nên trả lời thế nào, kèm theo việc đưa các ví dụ thực tế mình đã trải nghiệm. Có thể viết nháp ra vài chữ để sau này đỡ quên càng hay. (Bạn có thể xem lại file Reflection ở tìm những ví dụ cụ thể, sinh động nhất)
- Trước mỗi buổi phỏng vấn, bạn nên đọc qua 3 thứ: một là thông tin cơ bản về công ty – sản phẩm – thương hiệu, hai là file những câu hỏi phỏng vấn thường gặp & ba là câu trả lời bạn đã viết nháp ra, cùng application form bạn đã nộp trước đó.
Lưu ý cho vòng này là hãy giữ tinh thần thoải mái; bắt tay nhà tuyển dụng ở đầu buổi phỏng vấn; luôn giữ eye-contact; có câu trả lời trung thực và chân thành; bạn nên nói sâu về điểm mạnh của mình và đưa ra những dẫn chứng cụ thể.
IV. Assessment Center (Group Discussion)
Trong vòng này, bạn sẽ tham gia vào nhóm và thử sức với các bài case giải quyết tình huống cụ thể mà công ty đưa ra. Chính vì đây là phần teamwork, nên một chú ý quan trọng cho bạn là hãy coi trọng quá trình hơn là kết quả, bởi vì nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn qua các tiêu chí: khả năng làm việc nhóm, tổ chức lãnh đạo và khả năng giải quyết vấn đề.
Để thêm điểm cộng, bạn có thể: chủ động xung phong làm leader, thống nhất quy trình làm việc, chủ động quản lý thời gian và nếu không phải là leader thì hãy làm một thành viên tích cực. Một số công ty còn có thêm phần giải quyết case cá nhân để đánh giá cách xử lý vấn đề, khả năng chịu áp lực trong thời gian ngắn, tư duy logic và phản biện.
Mỗi công ty sẽ xây dựng mô hình năng lực (Competencies Model) cho nhân viên của họ, đây cũng sẽ là thước đo để đánh giá, lựa chọn ứng viên. Nói dễ hiểu hơn, có công ty sẽ thích những bạn “hổ báo”, ăn to nói lớn để bảo vệ quan điểm cá nhân. Có những công ty sẽ ưu tiên chọn những bạn biết lắng nghe, từ tốn đưa ra ý kiến riêng. Bạn có thể tìm hiểu sơ lược tại đây.
V. Vòng Final Interview
Đây chính là đích cuối cùng của bạn trong hành trình tiến tới vị trí Management Trainee. Tại vòng này, các bạn sẽ được gặp các anh chị lãnh đạo cấp cao của công ty (Director, Chairman, Vice President) để họ đánh giá và tìm hiểu sâu hơn về tính cách, con người cũng như động lực làm việc cho công ty của bạn. Và tiếp đó, sẽ có một số câu hỏi chuyên sâu hơn về công việc cũng như các câu hỏi thường gặp như mong muốn, kế hoạch dài hạn trong tương lai… Trái lại với các vòng khác vô cùng căng thẳng thì vòng này lại tương đối thoải mái và tự nhiên. Nhưng, mấu chốt ở đây là bạn phải bình tĩnh và chia sẻ thành thật về bản thân mình. Lưu ý rằng, họ sẽ không muốn tuyển một nhà lãnh đạo tương lai thiếu sự hiểu biết và động lực làm việc dài hạn cho công ty của mình.
Sau 3 đến 4 tháng ròng rã với cuộc thi tuyển, nếu bạn đạt được vị trí Management Trainee thì xin chúc mừng bạn! Tất cả đam mê và nỗ lực can trường cuối cùng đã được đền bù xứng đáng!
Và bây giờ đến lúc bạn được trải qua 2 – 3 năm đào tạo bài bản của công ty để từ một sinh viên mới tốt nghiệp thành một quản lý tương lai. Quá trình đào tạo của chương trình Management Trainee tuy đa dạng ở từng công ty, nhưng cơ bản có thể chia thành 3 phần: Learning by working, Learning by coaching & mentoring và Learning by training. Và đặc biệt, Management Trainee chính thức sẽ có các cơ hội như:
- Luân chuyển qua các phòng ban khác nhau để hiểu toàn diện cách hoạt động của công ty và có cơ hội làm việc ở nước ngoài.
- Tham gia các lớp huấn luyện đặc biệt bởi các nhà quản lý cấp cao của công ty, được cố vấn cá nhân bởi những anh chị lãnh đạo dày dặn kinh nghiệm đi trước.
- Được giao các dự án thực tế và đầy thách thức để qua đó học hỏi và phát triển.
- Đặc biệt là chính sách đãi ngộ cạnh tranh nhất so với các chương trình dành cho sinh viên mới tốt nghiệp khác. Các bạn Management Trainee sẽ có mức lương khởi điểm cao, sẽ có thêm các đợt đánh giá, điều chỉnh mức lương, nếu bạn lên vị trí quản lý thì cơ hội trải nghiệm, phát triển cá nhân cũng tăng lên rất nhiều và vô số những chính sách hỗ trợ khác.
Con đường phải vượt qua để có thể trở thành Management Trainee của các tập đoàn đa quốc gia thật chông gai, thế nhưng nếu chuẩn bị thật tốt thì cơ hội hoàn toàn có thể thuộc về bạn! Đừng bỏ lỡ khóa học Case Mastery để được trang bị những kiến thức và kĩ năng cần thiết khi thi tuyển Management Trainee tại các tập đoàn đa quốc gia nhé.
Làm những chiến dịch hoành tráng với TVC tiền tỷ, có cơ hội làm việc cùng các KOLs, hay mức thu nhập hấp dẫn lên tới $2000/tháng (Theo báo cáo của Career Builder),… đã khiến Brand Manager trở thành vị trí mơ ước của nhiều người trẻ. Song đây không phải công việc dễ dàng, mà cần phải có một người có tầm nhìn lớn, được trang bị kỹ năng và chuyên môn dày dặn để có thể lên định hướng chiến lược cho thương hiệu tới sự tăng trưởng dài hạn.
Nếu bạn đang trong quá trình trau dồi để bước lên những nấc thang mới trong sự nghiệp làm branding của mình, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn khi chuyển từ vị trí người thực thi sang vị trí người quản lý, đừng bỏ lỡ . Chỉ với hơn một tháng học, bạn sẽ được trang bị toàn diện về tư duy xây dựng và phát triển thương hiệu, cùng với đó là các case study đa dạng ngành hàng, giúp bạn tìm ra lời giải cho bài toán làm branding cho chính mình.
Bài viết thuộc bản quyền của Tomorrow Marketers, vui lòng không sao chép hay đăng lại dưới mọi hình thức.