Tomorrow Marketers – Nhắc đến những công cụ giúp bạn bẻ nhỏ vấn đề và đưa ra quyết định một cách hiệu quả, không thể không nhắc đến bộ đôi mô hình Issue Tree và nguyên tắc MECE. Phương pháp đại số là một trong những cách tiếp cận tuyệt vời để ứng dụng hai công cụ này, giúp bạn đánh giá và tìm ra gốc rễ vấn đề.
Trong bài viết dưới đây, hãy cùng Tomorrow Marketers tìm hiểu xem phương pháp đại số là gì, ví dụ và cách sử dụng trong thực tế, từ đó nắm rõ nguyên tắc xây dựng Issue Tree sao cho hiệu quả nhé!
1. Phương pháp Đại số là gì? Vì sao nên sử dụng phương pháp đại số?
Phương pháp Đại số được hiểu là chia nhỏ vấn đề thành một phương trình với các biến thực. Đây cũng là phương pháp tiếp cận thường xuyên được áp dụng trong các vòng Case Interview của chương trình Management Consulting, Management Trainee hay Business/ Marketing Case Competition.
Hầu hết các công ty hay tổ chức đều sử dụng con số để đo lường hiệu suất của họ. Vì thế mà trong nhiều Case Interview, thí sinh sẽ được yêu cầu cải thiện một số liệu cụ thể, ví dụ như lợi nhuận, doanh thu, thị phần, chi phí… Lúc này, phương pháp đại số sẽ giúp chúng ta tóm gọn vấn đề mà không bỏ sót bất kỳ chi tiết nhỏ nào.
2. Ví dụ về phương pháp đại số
Với các dạng case xoay quanh một số liệu cụ thể nào đó, ta có thể chia nhỏ nó thành các thành phần đại số. Cụ thể như:
Profits = Revenues – Costs hoặc Profit = Revenues * % Margin
(Lợi nhuận = Doanh thu – Chi phí hoặc Lợi nhuận = Doanh thu * % Biên lợi nhuận)
Hiring costs = Number of people hired * Cost per hire
Chi phí tuyển dụng = Số lượng nhân sự x Chi phí tuyển dụng/ người
Đọc thêm: Demo phương pháp giải Revenue Case trong Case Interview vào Management Consulting
Phương pháp đại số đảm bảo nguyên tắc MECE vì mọi công thức đều có metric (chỉ số) mục tiêu, đảm bảo tính logic của toán học. Một ưu điểm khác của phương pháp này là bạn có thể định lượng mức độ hiệu ứng đến từ nguồn nào. Với ví dụ ở trên về chi phí tuyển dụng tăng lên, ta có thể tiếp tục xem xét nguyên nhân đến từ việc thuê thêm nhiều nhân sự hơn hay chi phí cho mỗi lần tuyển dụng đã tăng.
3. Lưu ý khi sử dụng phương pháp đại số
Phương pháp đại số là cách tiếp cận phù hợp cho các bài toán liên quan đến số liệu, nhưng cần phải áp dụng một cách chọn lọc. Khi sử dụng kiểu cấu trúc này, các ứng viên dễ có xu hướng chỉ tập trung vào các con số và bỏ qua thực tế.
Tuy nhiên, điều giám khảo tìm kiếm không chỉ đơn giản là ứng viên tìm ra công thức phù hợp, mà còn đánh giá mức độ hiểu các vấn đề diễn ra trong thực tiễn. Như trường hợp về chi phí tuyển dụng trên, ta cần đào sâu nguyên nhân tại sao doanh nghiệp lại thuê thêm người, hay yếu tố nào làm chi phí tuyển dụng/người tăng lên?
Dưới đây là Issue Tree cho vấn đề: chi phí tuyển dụng của một công ty đang tăng lên.
Chú ý rằng Issue Tree cho vấn đề này giống như một phương trình.
- Chi phí tuyển dụng = Số lượng nhân sự được tuyển dụng x Chi phí tuyển dụng/ người
- Số lượng nhân sự được tuyển dụng = Số lượng nhân sự mới để thay thế nhân viên nghỉ việc + Số lượng nhân sự mới để phát triển công ty
- Chi phí tuyển dụng/ người = Chi phí để thu hút ứng viên mới + Chi phí để chọn ứng viên mới
Như vậy, thực hiện phương pháp đại số một cách nhất quán sẽ giúp bạn chia nhỏ vấn đề một cách độc lập và logic, không bị trùng lặp hay bỏ sót điều gì cả. Tuy nhiên, để biến nó thành thói quen và ứng dụng một cách thành thạo không phải điều dễ dàng. Ngay cả những ứng viên thiên về phân tích cũng đôi lúc sẽ gặp khó khăn trong việc chia nhỏ một số liệu thành công thức cụ thể.
4. Trường hợp nào không nên áp dụng phương pháp đại số trong MECE Issue Tree?
Tất nhiên, không phải bất cứ vấn đề nào xung quanh chúng ta cũng đều được giải quyết bằng toán học. Phương pháp đại số thường không được sử dụng trong các trường hợp định tính thuần túy và không phải là lựa chọn tốt nhất trong các case chiến lược dài hạn.
Trường hợp 1: Các vấn đề định tính thuần túy
Những vấn đề này dựa trên các biến số luôn thay đổi, ví dụ như rủi ro khi gia nhập thị trường, hoặc các yếu tố khách hàng cân nhắc khi mua một sản phẩm nào đó. Do đó mà phương pháp đại số sẽ không giải quyết triệt để cho dạng case định tính.
Trường hợp 2: Các vấn đề chiến lược định hướng dài hạn
Ví dụ điển hình cho trường hợp này là các dạng case như M&A, Gia nhập thị trường, Chiến lược tăng trưởng dài hạn… Phương pháp đại số vẫn có thể ứng dụng được nhưng thường không phải là lựa chọn tốt nhất. Khi nói về mục tiêu dài hạn, những con số không có nhiều ý nghĩa. Điều quan trọng hơn là định tính và các mối quan hệ giữa từng con số.
Hãy thử xem ví dụ sau đây: “Coca Cola – tập đoàn nước giải khát hàng đầu đang cân nhắc ý định thâm nhập thị trường vodka. Đưa ra đề xuất của bạn cho quyết định này.” Với câu hỏi trên, thật khó để biến việc thâm nhập thị trường thành một số liệu hay công thức toán học cụ thể. Thông thường, chúng ta sẽ suy nghĩ đến một hướng tiếp cận khác, chẳng hạn như Conceptual Framework.
Ở đây, Market Entry Issue Tree được chia làm 4 yếu tố nhỏ hơn: Market attractiveness (Sức hấp dẫn của thị trường), Competitive Landscape (Bối cảnh cạnh tranh), Company Capabilities (Năng lực công ty) và Financial Implications (Tác động về tài chính). Cách làm trên sẽ dễ dàng và logic hơn nhiều so với việc ước tính lợi nhuận, doanh thu, chi phí… của Coca Cola khi gia nhập thị trường mới. Bởi vì dù không biết doanh thu và thị phần của Coca Cola như thế nào trong tương lai, nhưng ta có thể dự đoán rằng nhận diện thương hiệu Coca Cola sẽ vẫn mạnh mẽ, hay kênh phân phối của họ sẽ hiệu quả hơn đối thủ cạnh tranh. Từ đó phân tích năng lực của công ty khi gia nhập thị trường mới.
Một điểm cần lưu ý nữa khi giải quyết từng dạng case study, bạn cũng phải nắm rõ mối tương quan giữa các con số, ví dụ như giá càng cao thì thị phần càng thấp; hay chi phí sản xuất càng thấp thì tính phí càng rẻ. Trọng tâm của các case dài hạn này nên là vấn đề định tính và mối quan hệ giữa các biến số. Nếu bạn cố gắng dự đoán lợi nhuận, hiệu suất… thì sẽ dễ xa rời câu hỏi, đồng thời không giải thích được về con số này để thuyết phục nhà tuyển dụng.
Tạm kết
Phương pháp đại số luôn là phần không thể thiếu trong những bài toán đo lường quy mô thị trường hay giải quyết vấn đề tài chính. Tuy nhiên, việc hiểu và sử dụng công thức toán học sao cho phù hợp với từng loại vấn đề cũng là một điểm quan trọng mà các ứng viên cần lưu ý. Nếu bạn muốn rèn luyện mindset dựa trên case study và áp dụng phương pháp tiếp cận sao cho linh hoạt, hãy tham khảo khóa học Case Mastery của Tomorrow Marketers nhé!

Bài viết bởi Crafting Case và được biên dịch bởi Tomorrow Marketers, xin vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức!