Tomorrow Marketers – Vừa sản xuất ra những nội dung chất lượng để khách hàng cảm thấy hứng thú và tương tác, vừa bán được hàng cho họ không bao giờ là chuyện dễ dàng. Hãy cùng Tomorrow Marketers tìm hiểu trong bài viết dưới đây để biết cách ưu tiên và phân phối cho 2 loại Content tương tác và Content chuyển đổi thế nào cho phù hợp với doanh nghiệp của bạn nhé!
1. Content Tương tác hay Chuyển đổi – đâu mới định hướng chính xác cho doanh nghiệp?
Bạn đã bao giờ gặp phải tình huống, khi đang vô cùng tâm đắc với các content sáng tạo, thu hút hàng trăm like, share thì bỗng nhiên bị “áp doanh số”, buộc phải tạo ra chuyển đổi cho công ty? Cứ tưởng dễ dàng, ta vẫn không hiểu lý do tại sao những nội dung tương tác này lại không đem lead về. Vội vàng chuyển hướng tập trung cho nội dung sale, chạy quảng cáo, ta lâm ngay vào cảnh nguồn đơn lên xuống thất thường nếu giá quảng cáo tăng, thuật toán thay đổi hoặc xuất hiện những đối thủ sừng sỏ trên thị trường.
Tình huống dưới đây là một ví dụ điển hình cho vấn đề này:
Tại thời điểm tiếp quản công việc truyền thông cho một trung tâm ngoại ngữ dành cho trẻ mầm non (tạm gọi là trung tâm X) niềm tự hào của mình từng là những bức hình bắt trọn cảm xúc học sinh hay các bài viết cập nhật hoạt động lớp học được hàng trăm phụ huynh like, bình luận.
Tuy nhiên, nguồn học viên chủ yếu mà trung tâm này có được lại không đến từ content marketing mà do những lời truyền miệng của các bậc phụ huynh đem lại. Đây cũng chính là một chướng ngại vật rất lớn khi trung tâm muốn mở rộng cơ sở hay phát triển trở thành một trường song ngữ. Lúc này, chúng mình buộc phải sử dụng những phương án kích cầu ngắn hạn như chương trình giảm giá, chạy quảng cáo diện rộng,… Về lâu dài, đây không phải cách làm tốt để gây dựng tiếng vang và sức ảnh hưởng cho thương hiệu trên thị trường.
Nhìn chung, bài toán “tương tác với chuyển đổi – đâu mới content mà công ty nên chú trọng?” dường như không phải câu hỏi hiếm gặp ở các marketers. Vậy nguyên nhân gì khiến chúng ta rơi vào vòng luẩn quẩn, không thể tìm ra đáp án phù hợp? Đâu mới là lời giải thỏa đáng giúp ta xác định được loại content phù hợp cho doanh nghiệp?
2. Những sai lầm khiến ta khó xác định hướng content phù hợp cho thương hiệu
2.1. Chưa xác định rõ đặc điểm ngành hàng của thương hiệu
Đặc thù ngành hàng sẽ quyết định mức độ phức tạp trong quá trình người tiêu dùng đưa ra quyết định cuối cùng cũng như định hướng phát triển nội dung marketing. Cụ thể, ngành hàng low involvement gồm các mặt hàng có vòng đời sử dụng thấp, ít đem lại rủi ro và dễ dàng thay mới nên khách hàng sẽ đưa ra quyết định khá dễ dàng. Ngược lại, ngành hàng high involvement thường bao gồm các sản phẩm có giá trị lớn, hoặc là một phần thể hiện tính cách, địa vị, phong cách sống của người tiêu dùng. Chính vì vậy khách hàng sẽ rất thận trọng trong quyết định, đòi hỏi phải tham khảo nhiều nguồn thông tin trong thời gian dài.
Đọc thêm: Sự khác nhau giữa sản phẩm High Involvement và sản phẩm Low Involvement
Trong ví dụ trên, ngành hàng giáo dục luôn là một lĩnh vực phức tạp, có ảnh hưởng lớn tới sự hiểu biết, trình độ học vấn của con người. Chưa kể, đối tượng đưa ra quyết định “mua hàng” của trung tâm X lại là các bậc phụ huynh hiện đại, có học thức, sẵn sàng đầu tư cho sự phát triển của con cái. Do đó, chắc chắn các nội dung quảng cáo suông hay các bài đăng cập nhật hoạt động lớp học là chưa đủ để thuyết phục nhóm khách hàng khó tính này tin tưởng và lựa chọn.
2.2. Không biết tận dụng tối đa sức mạnh của truyền thông đa kênh
Thế giới rộng lớn của Internet cho phép marketer tận dụng hàng chục, thậm chí là hàng trăm nền tảng khác nhau để giao tiếp với khách hàng. Việc tận dụng phối hợp làm content trên đa kênh sẽ giúp thương hiệu của chúng ta thúc đẩy chuyển đổi diễn ra nhanh chóng, liền mạch hơn.
Đọc thêm: Omnichannel – Tiếp thị đa kênh là gì?
Chẳng hạn, Facebook sẽ là một nơi lý tưởng để trung tâm X xây dựng hình ảnh, gia tăng nhận diện trong phạm vi nhỏ. Tuy nhiên, ta lại không có Blog tối ưu SEO để tiếp cận với những khách hàng tiềm năng khi họ đang nhen nhóm nhu cầu. Ta cũng chẳng có website/ landing page để tổng hợp thông tin về chương trình đào tạo khi khách hàng dần cân nhắc và mong muốn “chốt đơn”.
2.3. Quá vội vàng trong triển khai chiến dịch mà không phân bổ thời gian
Nếu đang chạy content marketing theo chiến dịch, “thời điểm” sẽ là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới việc bạn quyết định sẽ phân phối nội dung như thế nào cho hiệu quả.
Chẳng hạn, để chuẩn bị phát triển trở thành 1 trường mầm non song ngữ, trung tâm X sẽ sẽ phải khởi động bằng các nội dung “educate” thị trường, tập trung thu hút thật nhiều sự quan tâm, chú ý vào những nội dung chia sẻ thông tin, kiến thức. Tới khoảng thời gian sau Tết Nguyên đán, khi các bậc phụ huynh rục rịch tìm kiếm trường học cho con, tần suất và số lượng các content liên quan tới lợi ích trực tiếp của sản phẩm, dịch vụ lại cần được đẩy mạnh hơn.
3. Tương tác hay chuyển đổi – tìm câu trả lời thông qua phân tích hành trình khách hàng
Khi nhìn vào những “sai lầm” được đề cập phía trên, ta có thể thấy rõ việc phối hợp, cân đối tỷ lệ 2 loại content tương tác và content chuyển đổi sẽ phục thuộc rất nhiều vào các “điểm chạm” giữa thương hiệu và khách hàng trên hành trình mua sắm. Ví dụ để đưa ra quyết định lựa chọn một trung tâm ngoại ngữ cho con đang ở độ tuổi mầm non, các bậc phụ huynh sẽ phải trải qua các giai đoạn sau:
2.1. Nhận thức ra vấn đề và phát sinh nhu cầu
Ở giai đoạn này, không phải ông bố, bà mẹ nào cũng đã có nhu cầu cho con dưới 6 tuổi đi học ngoại ngữ. Một số khác dù có nhu cầu nhưng lại chưa đủ gấp gáp, cấp bách. Lúc này, việc của chúng ta là phải từ từ “educate” khách hàng, khơi gợi và cho họ thấy tầm quan trọng của vấn đề.
2.2. Cân nhắc giữa hàng trăm giải pháp
Đây cũng là giai đoạn phức tạp và tốn nhiều thời gian nhất. Các gia đình có thể đặt ra hàng trăm câu hỏi như: Phương pháp học nào là hiệu quả nhất? Trẻ chưa biết chữ thì nên dạy thế nào? Tôi muốn cho con học thông qua các trải nghiệm thực tế (thay vì sách vở) thì phải làm sao?…. Khi ấy, content sẽ đóng vai trò “chuyên gia” gỡ rối giúp các bố mẹ, đồng thời làm nổi bật giải pháp “cộp mác” thương hiệu của mình. Những content cung cấp kiến thức, thông tin miễn phí qua Blog, Email Newsletter, hay kể cả Facebook chính là vũ khí lợi hại nhất vừa giúp nuôi dưỡng mối quan hệ với các phụ huynh tiềm năng, vừa gia tăng hình ảnh “chuyên gia” đáng tin cậy cho trung tâm.
2.3. Đưa ra quyết định
Tới đến giai đoạn này, những nội dung quảng cáo cho chương trình dạy và học mới thực sự phát huy tác dụng. Những hình ảnh, video mô tả trực quan lớp học, cam kết tiêu chuẩn chất lượng hay demo giáo trình,… sẽ là lý do để thuyết phục các bậc phụ huynh tin tưởng lựa chọn ta ngay tức khắc.
Tóm lại, vốn dĩ 2 loại content tương tác và content chuyển đổi sẽ cần được phối hợp song song, phân phối linh hoạt để xây dựng tập khách hàng tiềm năng, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Trong khi Content tương tác sẽ nằm ở tầng TOFU, chịu trách nhiệm “nuôi dưỡng” mối quan hệ giữa thương hiệu và khách hàng tiềm năng thì content chuyển đổi lại nằm ở tầng BOFU, có vai trò “thúc đẩy” mối quan hệ này đi đến 1 giao dịch để thỏa mãn nhu cầu cả 2 bên.
Tạm kết
Muốn nuôi dưỡng khách hàng tiềm năng và thúc đẩy được họ trả phí vào thời điểm thích hợp, doanh nghiệp không thể hy vọng “ăn xổi” vào một số content rời rạc, tạm thời, không có tính chiến lược. Hệ thống nội dung của bạn buộc phải được xây dựng bài bản với các loại hình, định hướng khai thác phù hợp theo nhu cầu trên từng tầng của phễu chuyển đổi.
Nếu muốn rèn luyện tư duy lập chiến lược nội dung dài hạn, giúp doanh nghiệp tăng trưởng bền vững, hãy tham khảo khóa học Content Marketing của Tomorrow Marketers ngay hôm nay nhé!
Bài viết được biên soạn bởi Tomorrow Marketers, xin vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức!