Tomorrow Marketers – Networking là một nguồn đặc biệt hữu dụng khi HR muốn tìm kiếm các vị trí senior hay quản lý, giúp đẩy nhanh quá trình tìm kiếm và đảm bảo chất lượng ứng viên do đã có reference từ trước.
Thế nhưng, bước vào sự kiện hàng trăm người, nên bắt đầu câu chuyện thế nào thể xây dựng mối quan hệ? Làm thế nào để tạo không khí trò chuyện thoải mái, tránh rơi vào khoảng lặng? Làm thế nào để kéo dài câu chuyện mà vẫn khiến đối phương cảm thấy hứng thú và sẵn sàng kết nối tiếp? Cùng Tomorrow Marketers tìm hiểu 1 vài tips bắt chuyện trong networking event qua bài viết dưới đây nhé!
Đầu tiên, hãy bỏ đi những quan niệm này nếu bạn muốn mở rộng network của mình
“Networking chỉ hợp với người hướng ngoại, có khiếu ăn nói”
Không ít ý kiến cho rằng người hướng ngoại, có khiếu ăn nói từ nhỏ sẽ biết cách tương tác và nói chuyện để tạo dựng mối quan hệ. Ngược lại, người trầm tính, ít nói, không khéo léo và linh hoạt trong các câu chuyện thì sẽ khó tạo kết nối. Và như vậy, dành thời gian đến các sự kiện networking sẽ tốn thời gian mà chẳng đạt được mục đích gì.
Theo Carol Dweck, Nhà tâm lý học tại Stanford, đây là cách tư duy cố định (fixed mindset). Nghĩa là những người này tin rằng năng lực là yếu tố thiên bẩm, khó có thể thay đổi. Ngược lại, là người có tư duy theo hướng phát triển (growth mindset), Carol cho rằng, những đặc điểm như trí thông minh, khả năng lãnh đạo hay thậm chí là khả năng ăn nói là kết quả của một quá trình trau dồi và học hỏi lâu dài. Củng cố cho quan điểm này, một bài báo nghiên cứu khóa học trên trang Harvard Business Review cũng chỉ ra, nếu tin rằng mình có thể cải thiện những yếu kém hiện tại bằng nỗ lực và kiên trì, bạn sẽ có động lực để tiến lên và đạt được kết quả tốt hơn những người mặc cho số phận quyết định vận mệnh mình.
Vì vậy, nếu bạn đặt niềm tin vào bản thân, liên tục nỗ lực để cải thiện kỹ năng networking của mình, bạn sẽ vượt lên phiên bản hiện tại và đạt được mục tiêu của mình.
“Những mối quan hệ tốt nên được hình thành tự nhiên chứ không nên hình thành dựa trên lợi ích cá nhân”
Một số người cho rằng việc tiếp cận người khác khi có chiến lược và mục đích cụ thể sẽ là hành động lợi dụng và thiếu chân thành. Nhưng nếu cứ ngồi đợi cơ duyên hoặc người khác đến làm quen với mình, có khả năng bạn sẽ mãi cô độc trên con đường của mình.
Và việc tiếp cận có mục đích cũng giúp bạn chuẩn bị kĩ hơn khi bắt đầu câu chuyện với ai đó. Bạn sẽ biết đâu là chủ đề chung mà cả 2 có thể cùng thảo luận, họ muốn nghe những gì từ bạn, họ có điểm gì thú vị mà bạn muốn tìm hiểu,… từ đó, cả hai sẽ biết cách đặt câu hỏi và tránh đưa cuộc nói chuyện vào khoảng lặng. Việc tiếp cận có sự chuẩn bị trước vừa giúp mối quan hệ kết nối có chiều sâu hơn, vừa giúp cả 2 bên nhận được những điều tích cực.
Đọc thêm: 03 bước xác định chân dung ứng viên phù hợp
Tips chữa ngượng khi tham gia sự kiện networking
Luôn có sự chuẩn bị trước khi tham dự event
Bắt chuyện với người lạ là một hoạt động không mấy dễ dàng với nhiều người. Nếu không có sự chuẩn bị trước, cuộc nói chuyện sẽ dễ rơi vào khoảng lặng, không ai biết phải nói gì. Tình trạng này vô hình chung làm cho cuộc nói chuyện trở nên nhạt nhẽo, không để lại ấn tượng tích cực cho đối phương về bạn.
Nếu dành thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng những chủ đề mình muốn trao đổi, bạn sẽ có thể làm cuộc nói chuyện bớt khô khan, và mờ nhạt.
Chuẩn bị kỹ không có nghĩa là viết ra rồi học thuộc lòng và giao tiếp máy móc. Thực tế, không ít bài viết khuyên rằng, bạn nên giới thiệu chi tiết bản thân mình khi bắt chuyện với họ, ví dụ “Hiện tại em đang là chuyên viên tuyển dụng tại công ty X, em thường tuyển các vị trí A và B,…”. Tuy vậy, điều này sẽ làm cho cuộc nói chuyện trở nên khô khan và một chiều. Thay vào đó, hãy bắt đầu cuộc nói chuyện thoải mái bằng lời chào kèm một cái bắt tay tự nhiên “Chào anh/chị, em là …”.
Khi họ cũng đáp lại bạn bằng lời chào tương tự, cũng đừng vội vàng giới thiệu sâu hơn bản thân hay hỏi họ về chức vụ, nơi làm việc. Bởi, nếu đối phương là người chưa có công việc cụ thể vì mới chuyển ngành hoặc vừa ra trường, đây sẽ là khoảnh khắc khá ngượng ngùng cho cả 2 bên. Để bắt đầu câu chuyện tốt hơn và cả hai đều có điểm chung để cùng trao đổi, hãy đặt ra một vài câu hỏi về event mà bạn đang tham gia, như: “Phần này trong chương trình hay quá, [chi tiết về cảm nhận của mình], không biết có phần nào anh chị thấy ấn tượng không ạ?” hay “Anh/chị có thường xuyên tham gia các sự kiện như thế này không? Có thể chia sẻ cho em một số nguồn mà anh/chị tìm thấy event hữu ích như này được không?”
Khi đã “phá băng” thành công, bạn có thể kể chi tiết hơn về quá trình làm việc của mình. Ví dụ, bạn đã theo học ngành nào ở trường, công việc bạn làm hiện tại có phải trái ngành hay không, hoặc lý do tại sao lại chọn công việc hay công ty hiện tại,… Bằng cách kể chuyện với nhiều tình tiết hay sự biến chuyển trong con đường sự nghiệp của mình, đối phương sẽ đặt ra nhiều câu hỏi để hiểu rõ hơn về bạn, và gia tăng tương tác giữa 2 bên.
Luôn giữ cho mình sự tò mò trong cuộc nói chuyện
Con người thường có xu hướng thích kể chuyện về bản thân mình, nên bạn sẽ tạo được thiện cảm với đối phương nếu họ thấy bạn là người muốn lắng nghe họ. Một mẹo hay để kéo dài cuộc nói chuyện là tập trung lắng nghe và chú ý đến những chi tiết thú vị trong câu chuyện của họ để đặt câu hỏi nối sau, tìm hiểu sâu hơn.
Trong trường hợp, bạn đã xác định được người mình muốn tiếp cận tại sự kiện đó, cuộc nói chuyện với họ sẽ trở nên trơn tru hơn nếu bạn dành thời gian tìm hiểu về họ trước. Hãy thử liệt kê xem mình muốn học được từ họ những gì, tại sao họ lại có thể giúp bạn trong chuyện đó (dựa vào kinh nghiệm của họ). Với sự hỗ trợ của các trang mạng xã hội như Linkedin hay Facebook, điều này không quá khó để thực hiện.
Tạo mối quan hệ win – win
Điều rất quan trọng là cả bạn và bên kia đều đạt được lợi ích như nhau khi xây dựng network. Nếu bạn hưởng lợi nhiều hơn người kia, người đó sẽ cảm thấy mình bị lừa dối và lợi dụng. Khi điều đó xảy ra, bạn sẽ không thể quay lại và xây dựng một mối quan hệ lâu dài. Vì vậy tốt hơn hết trước khi bắt đầu hãy suy nghĩ kỹ về sự win win để khi bạn xây dựng chúng sẽ được kết nối trong sự bền bỉ. Mối quan hệ win win không tự đặt mình vào thế yếu cũng giúp bạn trở nên tự tin hơn khi bắt đầu cuộc trò chuyện.
Bạn cũng có thể tạo thiện cảm bằng cách đóng vai trò là người cho đi trước, hỗ trợ đối phương giải đáp một vài thắc mắc hay vấn đề nào đó. Khi cho đi trước nhận thường sẽ nhận lại được nhiều hơn như vậy. Đây là quy luật trong sách người nam châm, nó giúp bạn hiểu được rằng, nếu bạn muốn nhận được điều gì đó nhiều hơn hãy cho đi trước.
Chọn nhóm có số người lẻ để bắt chuyện
Trong nghiên cứu về mối quan hệ xã hội của mình, Marissa King, Giáo sư môn Hành vi tổ chức tại trường quản lý Yale, nhận ra rằng, trong một đám đông tham gia sự kiện, chúng ta thường tụ tập thành các nhóm nhỏ và mọi người trong từng nhóm sẽ nói chuyện, tương tác theo cặp.
Nhờ phát hiện này, giáo sư khuyên rằng, hãy cố gắng bắt chuyện với nhóm người có số lẻ (ba người, năm người, hay bảy người,…) Bởi nếu đó là số lẻ, chắc hẳn sẽ có một người cảm thấy không mấy ăn nhập được vào cuộc nói chuyện. Và có thể họ cũng đang muốn tìm một người khác để nói chuyện.
Không cố gượng ép để kéo dài cuộc trò chuyện
Khi cả hai bên đã trao đổi để hiểu cơ bản để hiểu đối phương, cuộc nói chuyện sẽ dần xuất hiện những khoảng lặng, đây là thời điểm phù hợp để kết thúc cuộc nói chuyện và hẹn kết nối sau. Nếu cứ cố gắng gượng ép, cuộc nói chuyện sẽ dần nhạt nhòa và không thoải mái. Bên cạnh đó, khi tham gia sự kiện networking, mọi người đều cố gắng làm quen nhiều người nhất có thể. Vậy nên, trao đổi danh thiếp và kết thúc cuộc nói chuyện đúng lúc sẽ giúp bạn đạt được mục đích và giữ hình ảnh tích cực với đối phương.
Lưu ý rằng, bạn không nên lấy lý do là cần đi vệ sinh hoặc lấy thêm đồ uống để ngừng nói chuyện với họ. Bởi, khi họ không thấy bạn quay lại mà chuyển qua nói chuyện với người khác, họ sẽ cảm thấy bị lừa. Thay vào đó, hãy cứ thẳng thắn “Em rất vui vì được nói chuyện với anh/chị, chắc anh/chị cũng muốn gặp và trao đổi với những người khác trong sự kiện. Em xin phép kết nối với anh chị sau trên Linkedin/qua email ạ”.
Cuối cùng, đừng để cuộc nói chuyện dừng lại khi event kết thúc
Trao đổi tại sự kiện mới chỉ là bước đầu, kết nối và trò chuyện với họ sau event mới là chìa khóa để phát triển mối quan hệ này lâu dài. Chính vì vậy, ngay sau khi sự kiện kết thúc, bạn nên có những hành động cụ thể để duy trì tương tác với họ. Đây là hai cách bạn có thể áp dụng:
Kết nối với họ qua Linkedin
Linkedin là một nền tảng hoàn hảo để bạn liên tục tương tác với các mối quan hệ trong công việc. Cùng trong ngành tuyển dụng, khi thấy họ đăng bài tuyển vị trí nào đó, bạn có thể giới thiệu nếu có CV liên quan hoặc để lại bình luận, chia sẻ giúp bài viết lan tỏa tốt hơn.
Khi gửi lời mời kết nối, bạn cũng đừng quên dành thời gian để “add a note”, giúp người nhận nhớ ra bạn là ai. Bạn cũng có thể gợi chuyện sau đó bằng các câu hỏi như, “Sắp tới có sự kiện A, không biết có thể gặp anh/chị ở đó không ạ?” hoặc một thắc mắc mà bạn chưa kịp hỏi trong buổi nói chuyện hôm trước.
Kết nối với họ qua Email
Trong trường hợp không thể tìm thấy Linkedin của họ, email sẽ là kênh chuyên nghiệp để kết nối và tương tác nhanh chóng. Nội dung email cũng tương tự với lời nhắn khi gửi lời mời kết nối trên Linkedin. Ngoài ra, trong email, bạn cũng có thể gợi ý họ kết nối bạn qua Linkedin hoặc một vài mạng xã hội khác để tương tác qua lại thường xuyên hơn.
Tạm kết
Networking là một nguồn giúp nhà tuyển dụng tạo nguồn ứng viên và còn lọc được những CV chất lượng khi có reference liên quan. Tuy nhiên, tìm được ứng viên là một chuyện, có thể thu hút ứng viên đó ứng tuyển và tạo động lực khiến họ mong muốn cam kết lâu dài với công ty hay không lại là một bài toán dài hạn hơn về Employer Branding.
Employer branding có phải chỉ là đăng một vài bài rời rạc trên fanpage hay gửi một vài email ‘khoe’ tất cả những gì công ty có? Nếu không thể offer mức lương cạnh tranh hay mức đãi ngộ tuyệt vời, doanh nghiệp có thể thu hút ứng viên bằng điều gì? Câu trả lời sẽ nằm ở khoá học Employer Branding & Hiring của Tomorrow Marketers. Sau khoá học, bạn sẽ:
- Biết cách sử dụng mô hình Brand Key để tìm ra định vị thương hiệu nhà tuyển dụng, xác định được những giá trị của doanh nghiệp phù hợp với mong muốn của ứng viên
- Hiểu các nền tảng Digital và lên kế hoạch để phân phối nội dung phù hợp với từng điểm chạm của ứng viên, giúp gia tăng niềm tin và thúc đẩy ứng viên ứng tuyển.
- Hiểu hành trình ứng tuyển để tối ưu hóa quy trình để gia tăng trải nghiệm tích cực sẽ giúp hạn chế việc “rớt” ứng viên, đồng thời củng cố hình ảnh thương hiệu nhà tuyển dụng.
Đăng ký nhận tư vấn khóa học Employer Branding & Hiring.
Bài viết được biên soạn bởi Tomorrow Marketers, vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức.