Tomorrow Marketers – Sự chi tiết có thể tạo ra sự khác biệt giữa một bài viết nhàm chán với một bài viết lôi cuốn người đọc, giữa một lập luận chặt chẽ với một lập luận lỏng lẻo, thiếu rõ ràng. Một bài blog tốt sẽ có những nội dung chi tiết này để dẫn dắt và diễn giải cho kết luận chính của bài viết.
Dù vậy, rất nhiều bài blog ngày nay vẫn mắc phải các lỗi trong kỹ năng phát triển ý: chỉ liên tục đưa ra những câu khẳng định mà không giải thích, chứng minh; các luận cứ đưa ra thiếu liên kết, không thuyết phục;….
Vậy một bài blog như nào là đủ chi tiết? Liệu mức độ chi tiết có được “đo bằng gang” – cứ dài thì là chi tiết? Cùng TM tìm hiểu trong bài viết sau nhé.
1. Như nào là một bài viết chi tiết?
Một bài viết chi tiết không chỉ đơn giản là bài viết dài và có nhiều đoạn văn, nhiều câu văn. Để đánh giá mức độ chi tiết của một bài blog, bạn cần trả lời được những câu hỏi:
- Bài viết đã có đủ thông tin để người đọc có những hiểu biết cụ thể và có thể đưa ra các đánh giá về chủ đề chưa?
- Bài viết đã có đủ thông tin để người đọc thực hiện hành động thích hợp chưa?
- Thông tin trong bài có đúng không và đủ nguồn dữ liệu chưa?
- Thông tin đã phù hợp với đối tượng chưa? (theo trình độ chuyên môn, khả năng tiếp thu, kinh nghiệm và các hiểu biết cần có, nhu cầu thông tin của người đọc về chủ đề…)
- Thông tin chi tiết có hỗ trợ giải thích luận điểm và làm rõ kết luận chính của bài viết chưa?
- Bài viết có còn để ngỏ những câu hỏi mở cho người đọc sau khi họ đọc xong nội dung không?
Trong một cấu trúc cơ bản của một bài viết, mức độ chi tiết thường được sử dụng để phát triển ý trong giai đoạn xây dựng (elaboration), đánh giá (evaluation) và bổ sung ngữ cảnh (adding context).
2. Vì sao một bài viết cần chi tiết?
Mức độ chi tiết khi khai thác vấn đề tạo nên giá trị cho một bài blog. Nếu một bài viết chỉ liên tục liệt kê các câu khẳng định mà không đưa ra thêm ý kiến thảo luận mở rộng, bài viết đó chỉ dừng lại ở cấp độ cơ bản. Điều này tạo cho người đọc cảm giác rằng toàn bộ bài viết chỉ đơn giản là nói đi nói lại cùng một luận điểm, mà không có thêm cái nhìn sâu sắc hoặc màu sắc khác biệt.
Bên cạnh đó, những nội dung chi tiết còn làm tăng khả năng xếp hạng trên các công cụ tìm kiếm, đồng thời còn giúp người đọc hệ thống được nội dung trong bài, tăng khả năng ghi nhớ và dễ dàng được thuyết phục hơn.
Đọc thêm: Mirage Content – Nội dung mơ hồ là lý do trang blog của bạn không tạo ra lead
3. Làm thế nào để viết chi tiết?
3.1. Show, don’t tell – chỉ ra cho họ thấy, đừng chỉ nói suông.
Bất kể bài viết của bạn là một đoạn truyện hư cấu, một đoạn nội dung tường thuật thực tế hay một báo cáo tài chính, thì lời khuyên này vẫn luôn chính xác. Khi bạn khẳng định các công ty vừa và nhỏ nên đầu tư vào Digital performance hơn Brand Marketing, thì nên giải thích rõ quan điểm đó, những ưu điểm và nhược điểm của 2 chiến lược, đưa ra ví dụ cụ thể củng cố cho luận điểm. Ví dụ, bạn có thể đưa ra một số lập luận rằng: việc tập trung vào short-term objective có thể giúp doanh nghiệp có được doanh thu nhằm xoay vòng vốn để nuôi sống doanh nghiệp; hoặc các doanh nghiệp đầu tư vào Digital Performance bởi họ có thể phục vụ cho những nhu cầu đã có sẵn và tập trung vào nhóm khách hàng sẵn sàng chi trả nhất nhằm giảm tối thiểu chi phí, tránh phải educate khách hàng,… Bạn đã thấy khẳng định trên thuyết phục hơn không? Chìa khóa ở đây chính là sự chi tiết trong nội dung.
Hãy bổ sung chi tiết để làm rõ vấn đề
Giả sử bạn đang viết một bài viết về content marketing với nội dung chính là khiến người đọc nhận ra họ cần đo lường tỷ lệ chuyển đổi từ nội dung.
Một bài blog “dở” sẽ chỉ đưa ra luận điểm mà không giải thích vì sao hoặc lặp đi lặp lại cùng một ý bằng các từ khác: “Việc đo lường chuyển đổi từ Content Marketing là rất quan trọng. Nếu bạn nghiêm túc với chiến lược Content Marketing, bạn thực sự cần phải suy nghĩ về việc đo lường chuyển đổi. Sẽ thật là vô nghĩa nếu bạn chỉ viết ra nội dung mà không đo lường hiệu quả.”
Sau khi đọc sau đoạn văn trên, người đọc hoàn toàn không rút ra được điều gì khác ngoài khẳng định việc đo lường hiệu quả chuyển đổi của nội dung là cần thiết. Người đọc không hề được thuyết phục với ví dụ, dẫn chứng hay bất kỳ thông tin phụ nào khác.
Thay vì nói vòng vo một ý theo nhiều cách diễn đạt, chỉ nói đúng những câu khẳng định, hãy đào sâu hơn nữa bằng cách đặt ra một loạt các câu hỏi “tại sao”:
- Bạn nên đo lường chuyển đổi trên tất cả nội dung hay chỉ ở nội dung cuối phễu (BOFU)?
- Làm thế nào để đo lường chuyển đổi? Sử dụng công cụ gì?
- Tính lượt chuyển đổi dựa trên lượt nhấp chuột cuối cùng (last click) hay lượt nhấp chuột đầu tiên (first click)?
- Hành động nào được tính là một chuyển đổi? Một người dùng trả phí? Một đăng ký? Hay một subscribe đăng ký nhận newsletter?
- Tại sao bạn phải lo lắng về chuyển đổi? Content Marketing không phải chỉ là cách để tạo ra traffic sao?
Và tìm ra câu trả lời bằng cách:
- Giải thích cách thực hiện (Explaining how): “Bạn có thể sử dụng công cụ miễn phí Google Analytics để đo lường hiệu quả chuyển đổi. Hãy cùng tìm hiểu quy trình các bước để đo lường chỉ số này.”
- Giải thích lý do tại sao chủ đề này trái ngược với các quan điểm phổ biến (Explaining why the claim is contrarian): “Hầu hết Marketer chỉ sử dụng Content Marketing như công cụ thu hút đối tượng tiềm năng ở đầu phễu (TOFU). Đó là bởi vì họ không biết cách phân loại khách hàng mục tiêu trước khi viết bài.
- Đưa ra các ví dụ hoặc dữ liệu chứng minh (Giving examples or data): “Agency của chúng tôi đã làm việc với một doanh nghiệp khách hàng có 100.000 traffic hàng tháng vào blog, nhưng chỉ tạo ra 30 lượt đăng ký mỗi tháng từ đó (tỷ lệ chuyển đổi 0,03%).”
Đọc thêm: ROI trong Content Marketing được đo lường như thế nào?
Hãy khai thác triệt để pain point của người đọc
Xác định đúng pain point và đảm bảo chủ đề của bạn có liên quan tới người đọc chỉ là bước đầu để một bài viết thành công. Nếu không dành thời gian để thực sự đi sâu vào khai thác nỗi đau và vấn đề của khách hàng mục tiêu, bài viết của bạn mới dừng ở bước đưa ra nhận định và chưa có sự kết nối cảm xúc với người đọc (emotional connection and relatability).
Tiếp nối ví dụ trên, bài viết nhấn mạnh pain point: “Việc xác định tỷ lệ chuyển đổi cho từng bài blog là điều vô cùng khó khăn đối với Content Marketer”
Đây là một câu khẳng định vô hồn nếu chỉ có đứng một mình trong bài viết mà không có thêm các nội dung khác bổ trợ. Bạn cần mô tả chi tiết nỗi đau đó để đối tượng mục tiêu hình dung ra vấn đề mà họ gặp phải là gì, vấn đề đó trở nên tồi tệ như nào:
- Đặt ra các ví dụ để mô tả trong một ngữ cảnh cụ thể: “Ví dụ: nếu người đọc lần đầu tiên nhìn thấy một bài đăng trên blog, sau đó click xem quảng cáo, tham gia webinar và sau đó một thời gian mới chuyển đổi thành khách hàng, vậy làm sao để bạn biết kênh nào đang có hiệu quả tăng tỷ lệ chuyển đổi?”
- Nêu chi tiết hậu quả nếu vấn đề không được giải quyết: “Nếu không đo lường tỷ lệ chuyển đổi của nội dung, bạn sẽ không có những con số rõ ràng để thể hiện tính đúng đắn của chiến lược nội dung, và từ đó làm giảm giá trị của kênh Content marketing
Lưu ý: Nhiều người cho rằng việc chứng minh các pain point bằng các con số dữ liệu có thể thu hút người đọc bởi tâm lý FOMO (Fear-of-missing-out). Tuy nhiên, đôi khi điều này không hiệu quả hoàn toàn. Cách hiệu quả hơn là kích thích và chạm tới cảm xúc của người đọc, bằng cách mô tả vấn đề dưới góc nhìn của họ, giống như bạn đang đi vào đôi giày của chính họ vậy.
Ví dụ: “86% Content Marketer nói rằng họ không đo lường tỷ lệ chuyển đổi từ nội dung”? – và thực sự thì, ai quan tâm điều đó? Có thể họ sẽ nghĩ mình là một trong 14% còn lại và vấn đề này không phải của tôi mà của 86% những người đó?
Đọc thêm: Công thức PAS trong Content Marketing – Để nội dung “gãi đúng chỗ ngứa” của khách hàng
3.2. Liệu nội dung chi tiết quá có khiến một bài viết lan man và khiến nội dung không được đánh giá cao?
Sự thành công của nội dung nằm ở 3 yếu tố: độ khó của topic, các luận điểm triển khai trong dàn ý bài viết và cách diễn đạt các luận điểm đó.
Sau khi xác định được ý tưởng chính của bài viết và lập dàn ý chi tiết, hãy chỉ tập trung vào các nội dung quan trọng để bổ sung thêm nội dung chi tiết.
Việc có quá nhiều chi tiết có thể cắt ngang mạch nội dung hoặc khiến các lập luận của bạn trở nên thật lộn xộn và khó nắm bắt ý chính. Chìa khóa để khắc phục điều này là đừng miêu tả tất cả mọi thứ, hãy đào sâu có chọn lọc.
Trước khi viết thêm các nội dung chi tiết, tự hỏi rằng: Những nội dung này có hỗ trợ cho luận điểm chính không? Nếu có thì chúng bổ sung làm rõ cho điều gì, nếu bỏ đi thì có khiến luận điểm thiếu vững chắc không? Liệu những nội dung chi tiết đó có quá chi tiết tới mức có thể viết thành một bài viết khác? Đó có phải những nội dung quá hiển nhiên và hẳn người đọc đều có thể tự suy luận ra?
————————————————————————————-
Xem xét ví dụ minh hoạ dưới đây: Một bài viết có chủ đề chính như sau, hãy nghĩ xem cách triển khai bài viết này như thế nào nhé.
“Content Marketing không trở nên khó hơn, chỉ là người đọc trở nên thông minh hơn”.
Bản thân câu nói trên đã đủ thú vị vì nó có thể gợi ra một cuộc thảo luận nhờ có hai vế tương phản với nhau. Nhưng nếu chỉ đứng một mình và không có ngữ cảnh rõ ràng, câu nói này sẽ không để lại ấn tượng rõ nét với người đọc. Không có gì đáng chú ý hoặc đáng nhớ về nó. Nó không thể hiện bất kỳ kiến thức chuyên môn nào.
Vì vậy, chúng ta nên dành cả một phần để mô tả kỹ hơn về luận điểm này:
“Gần đây, tôi nghe nhiều người phàn nàn rằng: Làm Content Marketing ngày càng khó. Cạnh tranh với những trang blog viết về cùng một chủ đề giống nhau dường như là điều không thể. Tuy nhiên, sự thật đáng buồn là: Content marketing không hề khó hơn, chỉ là người đọc ngày càng thông minh hơn. Độc giả không còn muốn đọc những nội dung lặp đi lặp lại, nhạt nhẽo và na ná giống nhau. Họ đã chán ngấy việc bị dẫn dụ bởi các tiêu đề giật gân trên các trang báo.”
Sau đó, đưa ra luận điểm rằng: “Hầu hết các trang blog đều cố gắng tạo ra những nội dung mơ hồ xoay quanh một chủ đề. Điều này khiến cho các bài viết trở nên quá nhàm chán và chung chung.”
Để chứng minh luận điểm này, đưa thêm các dẫn chứng từ cuộc khảo sát với các khách hàng về cách làm Content Marketing của một số doanh nghiệp. Một số topic trong đó:
- “Làm thế nào để startup của bạn thu hút được nhiều khách hàng hơn” – ý tưởng cho một ứng dụng referral SaaS
- “Bạn chợt nhận ra doanh nghiệp của bạn cần một ứng dụng di động. Vậy bạn phải bắt đầu từ đâu?” – ý tưởng của một công ty phát triển ứng dụng.
Ví dụ trên được trích dẫn từ bài viết: Chiến lược cụ thể hóa nội dung: Làm sao để biến các bài viết thông thường trở thành những nội dung nổi bật?
Đây cách triển khai ý tưởng bằng nhiều lớp nội dung chi tiết (multiple layers of details): giải thích tại sao, chứng minh điều đó bằng một ví dụ, hiển thị nhiều ví dụ hơn, mổ xẻ nhiều hơn… tất cả để chứng minh cho một luận điểm.
3.3. Phải làm gì nếu bạn không có đủ thông tin để hỗ trợ giải thích cho luận điểm đã đưa ra?
Khi rơi vào tình huống cảm thấy mù mờ và không biết phải viết thêm nội dung chi tiết nào, có thể bạn đang không đủ hiểu biết để viết về chủ đề này. Bạn nên phỏng vấn các chuyên gia về chủ đề này để có thêm thông tin trong bài viết. Nếu ý kiến chuyên gia vẫn chưa đủ để giải quyết được vấn đề, đó là dấu hiệu cho thấy phạm vi của chủ đề chính có thể bao gồm nhiều vấn đề hơn. Có thể không ai (kể cả bạn) biết đủ về chủ đề này để viết về nó.
Ví dụ: Hãy xem qua một bài viết hướng dẫn lướt sóng để minh họa cho vấn đề này.
“Khi bạn nhìn thấy một con sóng đang tới, bạn nên chèo ván nhanh nhất có thể. Một khi bạn cảm thấy con sóng đang xô vào chiếc ván của mình, cố gắng nhanh chóng đứng dậy”.
Những nội dung trên đều không sai. Nhưng chỉ với những thông tin này, người đọc có thể hình dung cách để lướt sóng thực sự? Họ có thể áp dụng chúng vào thực hành và lướt sóng thành công không? Không, bởi có quá nhiều thông tin còn thiếu trong bài viết này:
- Khi nào thì sóng “đủ gần”?
- Ván của bạn phải quay về hướng nào?
- Khi nào cần lật ván?
- Tư thế khi đứng trên ván cần chú ý gì? Chân nên đặt ở đâu, giữa ván hay đầu ván?
- Nếu bạn không bắt được sóng thì sao? Làm thế nào để bạn sửa lỗi sai này trong lần lướt sóng sau đó?
Vậy cần làm gì để khắc phục vấn đề này?
- Phỏng vấn hoặc đặt ra các câu hỏi cho chuyên gia để đào có thêm những thông tin nâng cao cho bài viết.
- Nghiên cứu, nghiên cứu và nghiên cứu. Không gì quan trọng hơn việc luôn tìm tòi và đọc thêm kiến thức, nội dung, chia sẻ về chủ đề bạn đang viết.
- Hỏi ý kiến từ người đọc. Sau khi hoàn thành nội dung lần 1, bạn có thể hỏi ý kiến người đọc rằng sau khi đọc xong nội dung, họ còn có câu hỏi nào chưa được giải đáp? Họ còn cảm thấy có chỗ nào chưa được làm rõ? Từ đó bạn sẽ có thêm các câu hỏi và cơ sở để bổ sung nội dung chi tiết làm rõ bài viết.
Tạm kết
Như đã nói ở trên, sự khác nhau giữa một bài blog hay và “dở” không chỉ nằm ở cách diễn đạt mà còn nằm ở chủ đề topic và các luận điểm triển khai trong dàn ý bài viết. Nếu bạn mong muốn thực hành nghiên cứu từ khóa, lên chủ đề, dàn ý, viết bài blog hoàn chỉnh và học cách để kết hợp nội dung long-form trong chiến lược Content Marketing, tham gia khóa học Content Marketing tại Tomorrow Marketers ngay từ hôm nay nhé!
Bài viết bởi Grow & Convert và được biên dịch bởi Tomorrow Marketers, xin vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức.