Tomorrow Marketers – Sản xuất ra những content với tiêu đề sặc sỡ, gieo rắc đủ lời hứa hẹn nhưng nội dung nghèo nàn, không đáp ứng được kỳ vọng và nhu cầu thông tin chính là lỗi “mirage content” điển hình mà rất nhiều content marketers hay mắc phải. Đối mặt với tình huống kiểu này, thay vì gạt phăng ý tưởng cũ đi để thay thế bằng những ý tưởng mới (mà rất có thể vẫn sẽ đi vào vết xe đổ trước đó), mình chọn cách phân tích nguyên nhân và khắc phục trên chính lỗi sai đó. Hãy cùng xem, cách mình đã cải thiện mirage content thành 1 nội dung có chất lượng tốt hơn như thế nào trong bài viết dưới đây nhé!
1. “Bắt bài” kiểu content mirage điển hình
Những ngày đầu làm “thợ viết”, mỗi khi phải đề xuất topic cho bài viết, mình sẽ ngay lập tức nghĩ đến những framework kiểu:
- XXX bí quyết để có một vóc dáng mơ ước
- Làm thế nào để thu hút khách hàng ngay từ ánh nhìn đầu tiên
- XXX lý do khiến bạn chưa giỏi tiếng Anh.
Và dưới đây là một dàn bài điển hình được mình phát triển từ những công thức kiểu như vậy:
Mục tiêu | Cung cấp cho người đọc những phương pháp học tiếng Anh hiệu quả tại nhà |
Góc khai thác (Angle) | 5 bí quyết để học tiếng Anh hiệu quả tại nhà |
Luận điểm triển khai | – Luyện nghe bằng cách chép chính tả – Xem phim kèm phụ đề song ngữ – Ghi chép những từ vựng ra giấy và ôn tập mỗi ngày – Tập nói lại những đoạn đã nghe được – Đoán ý nghĩa từ bối cảnh của cuộc trò chuyện |
Thoạt nhìn, content này tưởng chừng đã làm rất tốt nhiệm vụ cung cấp kiến thức bổ ích cho người đọc. Tuy nhiên, liệu bạn có biết rằng, những ai sẽ là người gật gù tâm đắc với bài viết này, và ai sẽ nhanh chóng bỏ đi chỉ ngay sau 2s click đọc bởi nội dung không phù hợp với họ?
Đây cũng chính là dấu hiệu đầu tiên cho thấy mình đang tạo ra một “mirage content”. Mình sẽ nêu rõ hơn nguyên nhân khiến content này được đánh giá là mơ hồ trong nội dung dưới đây:
1.1. Đối tượng độc giả quá rộng
Khi được hỏi về đối tượng độc giả của bài viết trên là ai, bạn sẽ trả lời như thế nào? Những người đang tự học tiếng Anh tại nhà? Những người muốn trau dồi thêm khả năng tiếng anh của bản thân? Hay những người cần sử dụng tiếng Anh cho công việc hằng ngày… Tất cả vẫn quá chung chung.
Bởi trên thực tế, giữa hàng trăm ngàn những người đã và đang học tiếng, tùy theo độ tuổi, nghề nghiệp, khả năng ngoại ngữ mà mỗi người lại có những nhu cầu và khó khăn khác nhau trong quá trình ôn luyện tại nhà. Làm sao ta có thể đảm bảo 5 mẹo “hữu ích” trên thực sự đem về hiệu quả cho mọi đối tượng ở những trình độ khác nhau.
1.2. Mục tiêu chưa xác định rõ ràng
“Cung cấp cho người đọc những phương pháp học tiếng anh hiệu quả tại nhà” thực chất chỉ là nhiệm vụ, hoàn toàn không phải mục tiêu cuối cùng cần đạt được. Tùy theo từng tầng trên phễu chuyển đổi, content phải được xác định rõ sẽ thúc đẩy khách hàng đi thay đổi suy nghĩ, thái độ hay đưa ra quyết định gì tiếp theo.
Đọc thêm: Các bước “vẽ bản đồ” hành trình khách hàng – Customer Journey Mapping
1.3. Chủ đề thiếu tính cụ thể
Những tính từ như “hiệu quả”, “đột phá”, “thành công” rất hay bị lạm dụng để thu hút sự chú ý của người đọc, tuy nhiên về bản chất lại rất mơ hồ, khó hình dung. Học tiếng anh như thế nào thì được coi là “hiệu quả”? Là ngày nào cũng hoàn thiện đủ 2 tiếng ngồi trên bàn học? Là chào hỏi và giao tiếp cơ bản với người bản xứ hay là có thể thi đạt chứng chỉ 8.0 IELTS?
Đọc thêm: Chiến lược cụ thể hóa nội dung: Làm sao để biến các bài viết thông thường thành nội dung nổi bật?
1.4. Hướng khai thác không đủ hấp dẫn
“Các tips giúp học tiếng anh hiệu quả” là một cách tiếp cận quá phổ biến và không còn mới mẻ với người đọc. Chỉ cần dạo quanh 1 vòng Google, ta dễ dàng tìm thấy hàng trăm kết quả bài blog đã khai thác về chủ đề này.
2. Cải thiện mirage content trở thành content chất lượng với mô hình 5W1H
2.1. Why – Hiểu tại sao phải viết trước khi nghĩ viết như thế nào
Không rõ vai trò của bài viết trong kế hoạch content marketing tổng thể cũng chính là nguyên nhân khiến tất cả các nội dung của mình luôn rời rạc, kém hiệu quả. Chính vì vậy, bước đầu tiên trong quy trình cải thiện 1 mirage content là cần xác định xem mục đích bài viết này là gì? Bài viết cung cấp kiến thức, kể chuyện hay bán sản phẩm? Sau bài viết, ta mong chờ người đọc sẽ có hành động gì?
Trong trường hợp phía trên, content nằm trong hệ thống các bài viết nuôi dưỡng nhóm khách hàng tiềm năng với các thông tin hữu ích. Như vậy, mục tiêu cuối cùng của content này là gia tăng niềm tin về thương hiệu và thúc đẩy khách hàng cân nhắc lựa chọn sản phẩm.
2.2. Who – Xác định rõ chân dung đối tượng mục tiêu
Tiếp theo, chúng ta cần xác định lại đối tượng cụ thể mà bài viết nhắm tới là ai. Những người này cũng chính là nhóm khách hàng mục tiêu mà thương hiệu muốn cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Do đó, những thói quen, nhu cầu của nhóm công chúng này sẽ chính là cơ sở giúp ta xây dựng content phù hợp nhất.
Trong ví dụ được nhắc tới, content của mình nhằm phục vụ đẩy bán cho 1 khóa học giao tiếp tiếng Anh cơ bản qua hình thức trực tuyến. Một trong những khách hàng mục tiêu của khóa học chính là nhóm người đi làm văn phòng với các đặc điểm:
- Bận rộn với công việc và cuộc sống cá nhân, các khóa học video online linh hoạt về thời gian và địa điểm sẽ là sự lựa chọn lý tưởng
- Thành thạo ngoại ngữ không phải là yếu tố bắt buộc trong công việc nhưng vẫn muốn học tiếng Anh để có thêm nhiều cơ hội thăng tiến, nâng cao trình độ và khẳng định vị thế.
- Nền tảng ngữ pháp ở mức cơ bản, tuy nhiên khả năng nghe – nói rất yếu vì không có môi trường luyện tập.
- ….
Đọc thêm: 7 câu hỏi để nghiên cứu người tiêu dùng dành cho content marketer
Khi so sánh với nhóm độc giả lúc ban đầu, ta thấy đối tượng mục tiêu đã được khoanh vùng cụ thể hơn. Như vậy, thông tin truyền tải cũng phải đảm bảo phù hợp với trình độ, nhu cầu học tập của nhóm người đi làm này.
2.3. What – Lựa chọn một điểm đau duy nhất để làm chủ đề cho bài viết
Tới đây, ta sẽ đi sâu vào từng giai đoạn trong hành trình đưa ra quyết định lựa chọn 1 khóa học online tại nhà để tìm thêm những “Pain points” (điểm đau) đắt giá. Chẳng hạn, trong giai đoạn Awareness (Nhận biết), khách hàng sẽ gặp phải các vấn đề như: học từ mới nhanh quên, listening không bắt kịp được với tốc độ băng,… Như vậy thay vì khai thác topic rộng như ban đầu, ta có thể dựa trên các pain point này để thu hẹp bài viết vào một vấn đề duy nhất. Ở đây, mình sẽ vấn đề “mới bắt đầu luyện nghe nhưng không tìm được nguồn listening phù hợp theo trình độ” làm định hướng mới cho bài viết.
Đọc thêm: Content Mapping là gì? Làm sao để phân phối nội dung đúng người, đúng thời điểm
2.4. How – Định hướng cách chủ đề đó sẽ được triển khai như thế nào
Khi đã có trong tay một ý tưởng tốt, câu hỏi tiếp theo của chúng ta sẽ là: Khai thác ý tưởng này dưới góc độ nào? Định hướng nội dung ra sao và Cách truyền tải thông điệp như thế nào?
Từ ý tưởng gốc “tìm nguồn luyện listening phù hợp với trình độ người mới bắt đầu”, mình có thể “bẻ lái” bài viết theo nhiều góc độ khác nhau như:
- Điểm danh các bộ phim dễ nghe-hiểu dành cho người mới bắt đầu nghe tiếng Anh
- Điểm danh các podcast về chủ đề office life, cực phù hợp cho người đi làm mới bắt đầu luyện nghe tiếng Anh
- Những lỗi sai điển hình khi lựa chọn nguồn luyện listening ở người mới bắt đầu
- Những tiêu chí giúp người mới luyện nghe tiếng Anh tìm được nguồn listening phù hợp với đúng trình độ của mình.
- …
Dựa trên mỗi góc khai thác, nội dung bài viết sẽ có định hướng triển khai tương ứng. Lưu ý rằng, các luận điểm được triển khai trong bài cần rõ ràng, liên kết với nhau và giải quyết đúng trọng tâm đã đặt ra ban đầu. Ngoài ra, cũng đừng quên nghĩ đến việc lồng ghép khéo léo các thông tin sản phẩm trong bài viết cùng lời kêu gọi hành động (CTA) ở cuối cùng.
2.5. When & Where – Xác định thời điểm và phương tiện truyền tải bài viết
Sau khi đã hoàn thiện phần “xương sống” cho content, việc còn lại của chúng ta làm rõ kế hoạch triển khai và phân phối bài viết bằng cách trả lời các câu hỏi: Thời gian triển khai là khi nào? Tần suất bao nhiêu? (When), Content sẽ xuất hiện ở những đâu? Các kênh đó ưu tiên hiển thị loại nội dung như thế nào? Tiêu chí đo lường hiệu quả ra sao…? (Where)
Và dưới đây là một bản định hướng nội dung hoàn chỉnh sau khi đã được “gọt dũa”, sửa chữa dựa trên phiên bản mirage content ban đầu:
Mục tiêu | Gia tăng niềm tin về thương hiệu và thúc đẩy khách hàng cân nhắc lựa chọn sản phẩm (Content tầng MOFU) |
Đối tượng mục tiêu | – Dân công sở, trình độ ngữ pháp tiếng Anh ở mức cơ bản. Muốn cải thiện khả năng giao tiếp (nghe – nói) để nâng cao trình độ và có thêm cơ hội thăng tiến. – Bận rộn nên sẽ ưu tiên các phương pháp học tại nhà, trực tuyến và có thể luyện tập mọi lúc, mọi nơi. |
Pain point → Angle | Mới bắt đầu luyện nghe nhưng không tìm được nguồn listening phù hợp theo trình độ → Điểm danh các bộ phim dễ nghe – hiểu dành cho người mới bắt đầu nghe tiếng Anh. |
Định hướng nội dung | 1. Điểm danh 5 bộ phim phù hợp: – Friends – How I met your mother – Titanic – Means girls – Toy Story 2. Gợi ý một vài phương pháp luyện nghe trong lúc xem phim: – Bật phụ đề song ngữ – Ghi chép các từ vựng và bối cảnh sử dụng – Luyện xem lại các đoạn cắt nhỏ 3. Tham khảo nền tảng dành riêng cho việc xem phim – luyện nghe theo từng cấp độ → Link đến sản phẩm. |
Kênh phân phối | – Blog – Fanpage Facebook và Instagram: Phân phối lại nội dung dưới dạng album ảnh |
Thời gian và tần suất phân phối | – Tuần thứ 2 của giai đoạn 2 trong campaign launch khóa học – Reup và làm mới nội dung: 2 tháng/lần |
Giờ tới lượt bạn. Hãy thử “đào” lại những content cũ, thử sử dụng phương pháp mình đã chia sẻ phía trên để cải tạo chúng trở nên chất lượng hơn xem. Nhớ chia sẻ thành quả cho TM biết nhé!
Tạm kết
Mirage content giống như những hạt muối bỏ bể, dù được sản xuất rất nhiều nhưng không thể tạo ấn tượng tích cực với khách hàng, gieo vào trong tâm trí họ thông điệp quan trọng và thuyết phục họ mua hàng. Để thoát khỏi tình trạng này, content marketer buộc phải có tư duy chiến lược và xây dựng một kế hoạch nội dung bài bản, từ đó sản xuất được những content “đúng người, đúng thời điểm”.
Đây cũng chính là trọng tâm chính mà khóa học Content Marketing của Tomorrow Marketers hướng tới. Nếu bạn muốn nắm được rèn luyện tư duy và học quy trình làm Content Marketing có giá trị dài hạn, có khả năng tạo ra tăng trưởng và chuyển đổi, hãy tìm hiểu khóa học ngay hôm nay!
Bài viết được biên soạn bởi Tomorrow Marketers, xin vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức!