Toàn cảnh thị trường bán lẻ tại Việt Nam 2019

marketing foundation

Tomorrow Marketers – Thời đại số lên ngôi, thị trường bán lẻ tại Việt Nam không còn là bức tranh một màu chỉ tồn tại các kênh bán hàng truyền thống, giờ đây bức tranh ấy đã trở nên đa dạng hơn với các kênh bán hàng với nhiều mô hình khác nhau, từ các kênh hiện đại đến sự xuất hiện của các trang thương mại điện tử. Theo báo cáo đo lường bán lẻ của Nielsen, 2019 là năm thị trường bán lẻ tại Việt Nam trên đà khởi sắc với những con số tăng trưởng vô cùng tích cực. Hãy cùng Tomorrow Marketers nhìn lại toàn cảnh về thị trường này nhé!

1. Mô hình phân phối của thị trường bán lẻ tại Việt Nam và tổng quan các kênh bán lẻ truyền thống

Thị trường Việt Nam với hơn 1,4 triệu cửa hàng thương mại truyền thống và dàn trải mạnh mẽ về địa lý là một thách thức lớn đối với các nhà tiếp thị để phân phối sản phẩm của họ đến những điểm bán cuối cùng. Tuy nhiên, với nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng, bất chấp những thay đổi về thời đại công nghệ số, mô hình phân phối này vẫn áp dụng hiệu quả với thị trường bán lẻ tại Việt Nam, ghi nhận những con số tăng trưởng tích cực trong năm 2019.

Đến thời điểm hiện tại, thị trường bán lẻ tại Việt Nam vẫn đang áp dụng mô hình phân phối theo quy trình: từ nhà máy sản xuất tới 3 kênh chính – nhà bán buôn, nhà phân phối và chuỗi cung ứng trực tiếp. Ba kênh này sau đó sẽ cung cấp hàng hoá tới các cửa hàng bán sỉ – lẻ và kênh bán lẻ thứ cấp, đây cũng là điểm cuối cùng cho người dùng mua hàng trực tiếp. Tính đến năm 2019 đã ghi nhận 1,486,261 tổng cửa hàng bán sỉ, lẻ trên toàn quốc, tăng 0.3% so với cùng kì năm ngoái.

2. Sự bùng nổ các kênh bán hàng hiện đại và những bước chuyển hành vi mua hàng về phía người tiêu dùng

Năm 2019 đánh dấu một cuộc cách mạng về kênh bán lẻ hiện đại với sức tăng trưởng vượt trội 34% so với năm 2018. Quý 1 đầu năm 2019 đã có thêm 5,397 cửa hàng hiện đại với sự gia tăng lớn nhất tới từ loại cửa hàng cho sản phẩm Mẹ và bé, tiếp đến lần lượt là các loại cửa hàng Thuốc, cửa hàng Tiện lợi, Siêu thị Mini và các Siêu thị lớn như Big C, Co-opmart…

Sự phát triển trong cơ cấu kênh thương mại hiện đại dự báo sẽ mang lại thay đổi tích cực cho người mua hàng Việt Nam vì họ sẽ có nhiều lựa chọn hơn để mua sắm. Theo số liệu Đo lường bán lẻ của Nielsen, doanh thu của mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) của kênh thương mại hiện đại ở khu vực thành thị đạt mức tăng trưởng lên đến hai con số (15%) trong quý 3 năm nay, vượt trội hơn so với kênh truyền thống chỉ tăng 5%.

Cùng với đó, mức độ thâm nhập tại các kênh bán lẻ hiện đại vẫn trên đà phát triển vượt bậc với sức tăng trưởng bùng nổ: siêu thị lớn tăng 19%, siêu thị mini lên tới 34% và cửa hàng tiện lợi tiếp tục tăng với con số 4%. Số liệu đo lường bán lẻ của Nielsen cũng cho thấy có sự thụt giảm về mức độ thường xuyên mua hàng của Shopper tại kênh truyền thống nhưng tăng trưởng ở kênh hiện đại với chỉ số tăng trưởng khiêm tốn. Có thể thấy rằng kênh bán hàng hiện đại đã chiếm ưu thế hơn trong việc gia tăng mức độ thâm nhập và thường xuyên so với kênh bán hàng truyền thống.

Báo cáo của Nielsen đã chỉ ra có rất nhiều yếu tố thúc đẩy sự phát triển này. Với mỗi loại hình kênh bán lẻ hiện đại lại có những yếu tố tạo nên sự tăng trưởng khác nhau.

  • Các siêu thị lớn như Big C, Co-opmart… yếu tố thúc đẩy tăng trưởng dựa trên việc đáp ứng được sự tiện lợi – khuyến mãi tốt – đa dạng các dòng sản phẩm.
  • Các cửa hàng tiện lợi – kênh bán hàng phát triển từ các sản phẩm dùng ngay khi đang trên đường tới các sản phẩm thiết yếu hàng ngày – yếu tố tăng trưởng là bởi có địa điểm thuận lợi – phục vụ dễ dàng và nhanh chóng – đáp ứng nhu cầu đồ ăn nhanh, tính khẩn cấp và những hàng tiêu dùng thiết yếu. Đây cũng là yếu tố đem lại sự phát triển doanh thu với các siêu thị mini, khi các kênh này không chỉ đáp ứng được về mặt địa điểm, giá cả mà còn tập trung tới những thực phẩm tươi xanh – sản phẩm mà người dân ở những thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh…đều sẵn sàng chi trả.
  • Các cửa hàng dược hiện đại – trong thời kì mà người người nhà nhà đặt vấn đề sức khoẻ và sắc đẹp lên hàng đầu thì cũng là lúc các cửa hàng dược phát triển mạnh mẽ. Đây cũng là kênh thu hút nhiều đối tượng khách hàng là nữ giới nhất. Xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng, các kênh này tập trung phát triển các dịch vụ khách hàng – môi trường thân thiện – đa dạng các sản phẩm nước ngoài – đầu tư các sản phẩm được ưa chuộng và cao cấp cho khách hàng. Đây cũng chính là những yếu tố tạo nên sức tăng trưởng không ngừng cho ngành hàng này.
  • Các kênh bán hàng cho Mẹ và Bé – giờ đây, các kênh bán hàng hiện đại Mẹ và Bé đã mở ra một thế giới chỉ dành riêng cho trẻ em, khi họ mang tới sự đa dạng trong các sản phẩm dành cho rất nhiều các em nhỏ khác nhau. Đi đôi với yếu tố đó là các dịch vụ khách hàng chất lượng và an toàn cao, giá cả hợp lý cho mọi tệp khách hàng. Ngoài ra người dùng còn được cung cấp rất nhiều thông tin bổ ích cũng như được tương tác cao với nhãn hàng trên các nền tảng trực tuyến.

3. Bức tranh toàn cảnh về các kênh thương mại điện tử tại Việt Nam

Các kênh thương mại điện tử Việt Nam được nhiều chuyên gia đầu tư xem là một thị trường đầy hấp dẫn với quy mô dự đoán có thể đạt 10 tỷ USD vào năm 2020. Kênh bán hàng này ngày càng phát triển với sự bùng nổ của thời đại công nghệ 4.0, bức tranh toàn cảnh của kênh thương mại điện tử vì thế đều ghi nhận những con số tăng trưởng vô cùng tích cực.

Tần suất sử dụng Internet cao làm gia tăng mạnh mẽ các dịch vụ mua hàng trên mạng: Theo thống kê từ Nielsen, số người sử dụng Internet chiếm 58% dân số trên cả nước so với các nước Châu Á – Thái Bình Dương chiếm 51%, tần suất sử dụng Internet hàng ngày lên tới 95% so với 86% ở các nước trong khu vực. Ngoài ra, có tới 77% người tiêu dùng Việt Nam đã từng mua hàng trên mạng tính đến năm 2019.

Quy mô các kênh thương mại điện tử Việt Nam vẫn còn khiêm tốn nhưng hứa hẹn nhiều triển vọng: Tuy mức đóng góp cho thị trường bán lẻ tại kênh thương mại điện tử còn nhỏ hơn 1% nhưng mức tăng trưởng ghi nhận lên tới 30% so với cùng kì năm 2018. Thương mại điện tử không ngừng gia tăng mức độ xâm nhập vào các ngành hàng xu hướng của thời đại, trong đó ngành hàng thời trang chiếm 61%, chăm sóc sức khoẻ và làm đẹp chiếm 45%, lần lượt là sách và âm nhạc 40%, công nghệ chiếm 38%…Từ đây có thể thấy rằng thương mại điện tử trong hiện tại và tương lai sẽ trở thành miếng bánh mà nhà đầu tư nào cũng muốn chiếm lấy dù chỉ có cơ hội được 1% thị trường.

Các nhà sản xuất đáp ứng nhu cầu của kênh thương mại như thế nào:

  • Đảm bảo rằng các sản phẩm chính hãng được bán trên các kênh bán hàng trực tuyến. Loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm làm giả, làm nhái với chính hãng.
  • Luôn luôn phải tương tác với khách hàng trên nền tảng trực tuyến, đặc biệt là khi tìm kiếm thông tin khách hàng và hành trình đưa ra quyết định mua hàng của người mua.
  • Đầu tư vào các đổi mới và trải nghiệm cá nhân hoá marketing online cho người dùng.Sự khác biệt của thị trường bán lẻ tại ba miền Bắc – Trung – Nam.

4. Sự khác biệt của thị trường bán lẻ tại ba miền Bắc – Trung – Nam

Tại 6 thành phố chính Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang và Cần thơ, ngành hàng FMCG đóng góp 36% tổng giá trị trong thị trường bán lẻ.

Tại Miền Bắc, với lối sống hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cùng gia đình và các định hướng dài hạn, khách hàng ưa chuộng các sản phẩm cao cấp, có mức độ trung thành với sản phẩm khá cao, và chủ yếu mua hàng dựa trên yếu tố truyền miệng. Chính vì nhu cầu mua hàng này mà các nhà bán lẻ gặp khó khăn hơn trong việc thâm nhập vào thị trường, nhưng lại dễ dàng hơn để đẩy bán các hàng tồn kho. Miền đất 33 triệu dân này đã đóng góp 22% vào tổng giá trị ngành hàng FMCG tính đến năm 2019.

Tại miền Trung, với lối sống an toàn và tiết kiệm được đặt lên hàng đầu, khách hàng chú ý nhiều tới các sản phẩm giá rẻ, mua hàng dựa trên tư vấn của chủ cửa hàng. Điều này dẫn tới việc các nhà bán lẻ có ít khả năng dự trữ hơn. Mảnh đất với 21 triệu dân này đã đóng góp 24% vào tổng giá trị ngành hàng FMCG.

Tại miền Nam, với lối sống trọn từng phút giây, người mua bị hấp dẫn bởi sự đa dạng, nhiều trải nghiệm và các hoạt động Above The Line của các nhãn hàng. Chính bởi nhu cầu này mà các nhà bán lẻ cần chú trọng hơn trên các kênh bán hàng hiện đại cũng như các hoạt động marketing trên nền tảng số. 40 triệu dân trên tất cả các tỉnh khu vực miền Nam vì thế đã đóng góp tới 43% vào tổng giá trị ngành hàng FMCG.

Đọc thêm: Các Kênh Phân Phối Trong Trade Marketing

Kết luận

Nhìn chung, Thị trường bán lẻ tại Việt Nam đang trên đà phát triển với sức tăng trưởng không ngừng, đặc biệt từ các kênh bán lẻ hiện đại và kênh thương mại điện tử. Hiểu rõ về kênh bán hàng là yêu cầu bắt buộc cho các Trade Marketer và Salesmen để giải quyết các bài toán từ chiến lược đến thực thi, xây dựng được các kênh bán hàng từ truyền thống tới hiện đại hiệu quả. Nếu bạn quan tâm tới lĩnh vực Trade Marketing nói riêng, và thế giới Marketing nói chung, đừng bỏ lỡ khóa học Marketing Foundation của Tomorrow Marketers nhé.

Marketing Foundation
Tagged: