Tomorrow Marketers – Nếu như SEO là phương thức tối ưu hoá nội dung trên công cụ tìm kiếm, giúp Google nhận biết và đẩy thứ hạng tìm kiếm cho bài viết của bạn, thì copywriting là việc vận dụng câu từ để thu hút người đọc và tạo chuyển đổi. Nói cách khác, SEO là làm nội dung cho công cụ tìm kiếm, còn copywriting là sáng tạo nội dung cho người đọc.
Khi kết hợp giữa SEO và copywriting, mục tiêu cuối cùng chính là chuyển đổi khách hàng tiềm năng, chứ không dừng lại ở tạo ra lượng truy cập tự nhiên. SEO copywriting kết hợp các phương pháp SEO tốt nhất nhằm thúc đẩy lượng truy cập (như nghiên cứu từ khóa – “keyword research”) với các nội dung hấp dẫn thu hút để người dùng thực hiện một hành động cụ thể, chẳng hạn như mua sản phẩm hoặc đăng ký danh sách email.
Các gợi ý để viết SEO copywriting hiệu quả
Kỹ năng copywriting là sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau, sau đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu.
1. Hiểu độc giả của bạn
Bước đầu tiên để thành công với copywriting chính là hiểu độc giả của bạn. Thiếu đi điều này, bạn sẽ không thể thu hút họ với nội dung của mình bởi bạn còn chẳng biết họ là ai, họ thích gì hay điều gì sẽ khiến họ tò mò.
Việc tìm hiểu khán giả cho SEO copywriting cũng đi theo quy trình tương tự như khi bạn tạo chiến dịch marketing hay sáng tạo bất cứ nội dung nào cho thương hiệu của bạn: nghiên cứu chân dung khách hàng (buyer persona research)
Chân dung khách hàng sẽ giúp bạn hình dung một khách hàng điển hình của mình sẽ trông như thế nào, thông qua hoạt động nghiên cứu thị trường cũng như các dữ liệu có sẵn về khách hàng.
2. Thực hiện nghiên cứu từ khóa (keyword research)
Nghiên cứu từ khoá là một thành tố quan trọng trong bất cứ chiến lược SEO nào. Đây là quá trình khám phá những từ khoá mà đối tượng mục tiêu của bạn thường dùng khi tìm kiếm các sản phẩm, dịch vụ tương tự – bạn có thể sử dụng chính những từ khóa này trong các nội dung của mình để thu hút khách hàng đến website của bạn.
Đối với viết copywriting, nghiên cứu này rất cần thiết vì nó giúp bạn khám phá ý định của khách hàng tiềm năng đằng sau các từ khóa mà họ tìm kiếm, từ đó bạn có thể viết các nội dung quảng cáo phù hợp với nhu cầu của họ.
Đọc thêm: Search intent – Ý định tìm kiếm trong SEO là gì?
Để có những cụm từ khoá tốt, hãy đặt mình vào vị trí của độc giả và suy nghĩ xem: Họ quan tâm đến vấn đề gì mà doanh nghiệp của bạn có thể giải quyết được? Họ tìm kiếm gì trên Google? Sau quá trình nghiên cứu ý định tìm kiếm của người dùng, bạn cần ra được kết quả là một bảng bao gồm từ khoá chính, các cụm từ khoá liên quan và lưu lượng tìm kiếm. Bạn có thể sử dụng công cụ như Ahref để hỗ trợ việc nghiên cứu.
3/ Đặt độc giả vào vị trí trọng tâm
Mục tiêu của copywriting là thúc đẩy khán giả của bạn thực hiện một hành động nào đó (ví dụ như click vào nút “tìm hiểu thêm”). Vì vậy, điểm mấu chốt là luôn luôn đặt họ làm trọng tâm trong quá trình viết. Khách hàng tiềm năng của bạn muốn tìm kiếm giải pháp, do đó hãy thuyết phục họ tại sao bạn lại là giải pháp phù hợp nhất.
Giả sử bạn cung cấp một công cụ Marketing đa năng “tất cả trong một”. Nghiên cứu về chân dung khách hàng và từ khóa cho bạn biết rằng khách hàng mục tiêu thường có thói quen tìm kiếm cụm từ “công cụ marketing dễ sử dụng”. Bạn sẽ muốn tích hợp cụm từ này vào nội dung quảng cáo để có thể thu hút trực tiếp sự chú ý của người đọc và dẫn dắt họ đến hành động mong muốn (ví dụ như thanh toán sản phẩm).
Nếu bạn đã đọc đến đây, bạn đã nắm được bí quyết then chốt nhất để tạo ra giá trị cho content của mình. Đó là hiểu khách hàng và luôn để nội dung của bạn hướng tới họ. Trước khi đi tìm hiểu các phần tiếp theo, hãy cùng Tomorrow Marketers khám phá cách content marketing vận hành theo đúng nghĩa cũng như bí quyết để tạo ra chuyển đổi từ việc sáng tạo nội dung qua video ngắn dưới đây. Đây cũng là một phần trọng tâm trong khoá học Content Marketing của TM, khoá học giúp bạn lập chiến lược nội dung để tăng trưởng và chuyển đổi khách hàng.
4/ Cấu trúc bài viết được sắp xếp hợp lý, nội dung rõ ràng, cô đọng, dễ đọc
Cấu trúc bài viết: Một cấu trúc bài viết tốt sẽ dẫn dắt cả độc giả và công cụ tìm kiếm đọc bài viết của bạn một cách trơn tru, mà không bị khớp ở bất kỳ đoạn nào cả. Mỗi luận điểm hay một ý mới nên được đưa vào các tiêu đề H2, H3 và H4. Theo khảo sát của Semrush năm 2021, 36% bài viết với các tiêu đề H2 và H3 được trình bày rõ ràng có lượng traffic và chia sẻ tốt hơn.
Tiêu đề: Các tiêu đề/ ý chính trong bài viết nên rõ ràng và giúp người đọc dễ dàng nắm bắt ý chính bài viết. Theo nghiên cứu của Nielsen, chỉ có 16% độc giả sẽ đọc hết từng từ từng chữ trong bài viết của bạn. Hãy đảm bảo rằng, người đọc hiểu họ đang đọc gì, sẽ nhận được giá trị gì ngay khi đọc tiêu đề từng phần. Bạn có thể nghĩ tới ý định tìm kiếm và câu trả lời mà độc giả muốn nhận, sau đó đưa những câu trả lời vào phần tiêu đề, thuyết phục người đọc tin vào những luận điểm đó nhờ thông tin chi tiết ở các đoạn văn.
Từ ngữ sử dụng: Bạn cần tránh cách dùng từ rườm rà, văn vẻ và chỉ tập trung vào những thông tin cần thiết. Đây có thể là một kỹ năng không dễ dàng để thành thạo – sẽ hữu ích nếu bạn đặt mình vào vị trí người đọc và thử xem xét bản thân bạn thích/không thích đọc những nội dung gì – từ đó áp dụng vào công việc copywriting của mình.
Nội dung quảng cáo của bạn càng khó đọc, tỷ lệ chuyển đổi khách hàng của bạn càng thấp. Nếu độc giả của bạn phải dành nhiều công sức để hiểu những gì bạn viết, bạn sẽ rất dễ đánh mất sự chú ý của họ. Đừng tạo ra bất cứ sự băn khoăn hay khó hiểu nào khi bạn giao tiếp với độc giả, hãy rõ ràng và cô đọng nhất có thể.
5/ Sử dụng những từ mang tính hành động phù hợp
Việc viết các nội dung phù hợp với nhu cầu của khách hàng là rất quan trọng, thế nhưng điều đó là chưa đủ. Bạn còn phải sử dụng những từ ngữ mang tính hành động để thuyết phục họ hành động như cách bạn muốn.
Điều đó có nghĩa là nội dung của bạn cần thu hút và dẫn dắt độc giả tới những quyết định cụ thể, ví dụ như “Mua ngay” hay “Đăng ký tại đây” – những cụm từ bạn thường thấy ở cuối phần mô tả sản phẩm.
6/ Tận dụng hình ảnh
Một bức ảnh có giá trị ngang với rất nhiều câu chữ. Bạn có thể dùng các dạng trực quan khác nhau như video, hình ảnh, biểu đồ, infographics,… để giúp bài viết sinh động và dễ ghi nhớ hơn. Video hay những hình ảnh chứa nhiều thông tin giá trị sẽ kích thích người đọc chia sẻ chúng trên mạng xã hội và từ đó, bài viết của bạn cũng sẽ tiếp cận được nhiều độc giả hơn.
Khi thêm hình ảnh vào bài, đừng quên thêm ‘alt tag’ (mô tả nội dung hình ảnh bạn sử dụng). Với lượng người dùng tìm kiếm hình ảnh Google ngày càng nhiều, nếu keyword được tận dụng tốt trong phần mô tả này, bạn càng có khả năng tăng lượng tìm kiếm tự nhiên nhiều hơn.
Đọc thêm: Làm content writer có cần tư duy hình ảnh (Visual thinking)?
7/ Liên tục thử nghiệm
Những nội dung bạn cho là sẽ hiệu quả có thể trong thực tế lại không phù hợp với khán giả, do đó, việc liên tục thử nghiệm và điều chỉnh sẽ giúp bạn đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách tốt hơn.
Việc thử nghiệm còn đảm bảo rằng bạn đang tối ưu hoá hiệu quả của mình. Nội dung quảng cáo của bạn cần dẫn dắt khách hàng một cách nhanh chóng tới những giải pháp bạn đang cung cấp.
Một ví dụ về việc thử nghiệm liên tục chính là tạo ra nhiều phiên bản call-to-action khác nhau, bạn sẽ sử dụng chúng cho các website khác nhau để đánh giá xem phiên bản nào đem lại kết quả tốt hơn.
Tạm kết
SEO copywriting là kết hợp của 2 yếu tố: SEO và copywriting. Khía cạnh về SEO chính là những từ khóa chạm vào nhu cầu, mối quan tâm của độc giả và thu hút lượng truy cập lớn, còn khía cạnh copywriting chính là tạo ra những nội dung phù hợp với mong muốn, ý định của họ đằng sau những từ khoá kia. Khi bạn tận dụng được chiến lược này, bạn có thể thuyết phục người đọc rằng bạn có thể giải quyết được vấn đề của họ, từ đó biến họ trở thành khách hàng của mình.
Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về cách lên chiến lược nội dung, nhằm tạo ra hệ thống content nhắm đến đúng người đúng thời điểm và tạo chuyển đổi cho doanh nghiệp, hãy tham khảo khoá học Content Marketing của Tomorrow Marketers!