Tomorrow Marketers – Nếu bạn đang loay hoay viết blog phần mở đầu, bạn không biết viết như thế nào cho hay, làm sao để khiến độc giả nhấp chuột và tiếp tục đọc nội dung, thì bài viết này sẽ cho bạn điểm bắt đầu, một cơ sở để sáng tạo nội dung mang lại chuyển đổi tốt nhất.
1. Đoạn mở đầu blog nào viết hay hơn?
Để phân tích xem thế nào được coi là một đoạn mở đầu tốt, hãy cùng theo dõi ví dụ dưới đây về bài blog CRM.
Trước khi đến với bài blog, hãy thử đặt mình vào vị trí của độc giả – một Sales Manager với hơn 20 năm kinh nghiệm. Bạn nhận thấy rằng hệ thống CRM mà team bạn đang sử dụng không thực sự hiệu quả. Nút rối bây giờ là sự lộn xộn trong báo cáo, và bạn tin rằng tích hợp một hệ thống CRM mới sẽ giải quyết được vấn đề này. Thế nhưng, khác với thời gian trước khi bạn mới vào nghề, khi các công ty cung cấp giải pháp CRM trên thị trường tồn tại rất ít, bây giờ bạn phải đứng giữa sự lựa chọn với hơn 400 nhà cung cấp khác nhau và không biết nên lựa chọn phần mềm nào giải quyết thách thức mà team đang gặp phải.
Trong lúc băn khoăn như vậy, bạn bắt gặp một bài blog có chủ đề quản trị quan hệ khách hàng (CRM). Cùng xem với chủ đề như vậy, đâu là cách mở đầu khiến bạn bị thu hút hơn:
Cách 1: “Hầu như tất cả doanh nghiệp đều cần hệ thống quản lý quan hệ khách hàng (CRM). Chăm sóc khách hàng là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của bất cứ doanh nghiệp nào, và một hệ thống CRM được tối ưu chắc chắn sẽ giúp cải thiện việc này.”
Cách 2: “Bạn mất nhiều tháng trời đấu tranh để có được ngân sách cho hệ thống quản lý quan hệ khách hàng (CRM) mới. Bạn nghiên cứu tỉ mẩn cả tá giải pháp tiềm năng, dành rất nhiều thời gian và nguồn lực để thử nghiệm – cuối cùng chỉ để nhận lại sự từ chối từ phía team sales – những nhân viên của bạn.”
Tại sao lại như thế? Sự phản đối đến từ đâu? Bạn có thể làm gì với nó? Hãy đào sâu để hiểu hơn về quá trình ra quyết định của team sales, cũng như những tính năng & chức năng bạn cần đảm bảo để hệ thống CRM được sử dụng thành công.”
Vì sao cách mở đầu 1 kém thu hút?
Có thể thấy, đoạn mở đầu 1 được viết với phong cách bài nghiên cứu, tương tự những bài luận ở trường mà bạn từng phải làm. Nó đưa ra những thông tin hiển nhiên mà bạn vốn đã biết.
Nếu bạn là một Sales Manager với nhiều năm kinh nghiệm, bạn không cần người khác chỉ cho bạn những thứ kiểu như: “Hầu như tất cả doanh nghiệp đều cần hệ thống quản lý quan hệ khách hàng (CRM).” hay… “Chăm sóc khách hàng là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất…”
Viết những điều hiển nhiên như thế khiến bạn (và công ty của bạn) trở nên ngớ ngẩn và bớt chuyên nghiệp. Những bài blog mở đầu với phong cách bài luận thời cấp 3 sẽ rất dễ đánh mất sự tin cậy của người đọc. Người đọc sẽ ngầm hiểu rằng tác giả bài viết này không hiểu mình và không nắm rõ những vấn đề thực tế mà mình đang gặp phải. Họ mất đi động lực để đọc tiếp phần còn lại của bài viết chứ đừng nói là liên hệ để trải nghiệm sản phẩm.
Đọc thêm: Customer-Content Fit: Bài viết của bạn đã “fit” với khách hàng chưa?
Đoạn mở đầu 2 với “Specific Strategy” (Tập trung vào tính cụ thể) trở nên ấn tượng hơn
Đoạn mở đầu #2 đi thẳng vào một vấn đề cụ thể mà các quản lý sales phải đối mặt trong thực tế: nhân viên sales đang không sử dụng hệ thống CRM hiệu quả. Chính bởi sự cụ thể, chi tiết này mà đoạn mở đầu 2 ngay lập tức thu hút được sự chú ý của khách hàng tiềm năng.
Hãy nhìn lại các đoạn mở đầu trong blog của bạn và tự hỏi xem chúng có đang được viết cho các khách hàng tiềm năng của bạn không.
Đọc thêm: Công thức PAS trong content marketing – Để nội dung “gãi đúng chỗ ngứa” của khách hàng
2. Ví dụ khác về viết blog: 1 đoạn mở đầu tệ và 1 đoạn mở đầu tốt
Ví dụ về đoạn mở đầu tệ
Hãy cùng thảo luận một vài ví dụ để bạn có thể hiểu hơn về sự khác nhau về một đoạn mở đầu tốt và một đoạn mở đầu tệ. Cùng bắt đầu với ví dụ về đoạn mở đầu tệ nhé.
Đây là một bài blog với tiêu đề “Làm sao để giảm cân”. Nó được mở đầu với câu hỏi “Bạn có gặp vấn đề trong việc giảm cân không?”. Ồ, đương nhiên là có rồi. Câu hỏi này hoàn toàn không cần thiết và nó tạo cảm giác bài viết sẽ tiếp tục có nhiều thông tin sáo rỗng nữa.
Ví dụ về đoạn mở đầu tốt
Dưới đây là một đoạn mở đầu khác cùng chủ đề giảm cân nhưng tốt hơn hẳn ví dụ đầu tiên.
Điều hấp dẫn về phần mở đầu này là ngay lập tức có một quan điểm trái ngược được đưa ra: “hầu hết các giải pháp giảm cân không có cơ sở khoa học vững chắc”. Và câu thứ hai của đoạn hứa hẹn rằng bài blog sẽ giải quyết vấn đề này. Cách dẫn dắt này cho thấy tác giả có kiến thức và hiểu biết về chủ đề đang được nói tới, và khiến người đọc tò mò và muốn tìm hiểu những nội dung hữu ích trong bài blog.
3. Công thức viết blog đoạn mở đầu
Trước khi đi vào tìm hiểu kỹ hơn từng bước để “thêm lửa” cho đoạn mở đầu, cùng TM khám phá cách làm Content Marketing “chuẩn” qua một video dưới đây. Bạn sẽ nhận ra chỉ viết hay thôi chưa đủ, bạn còn phải viết “thật chuẩn”. Đó là lúc bạn cần đến tư duy bài bản trong mọi khâu của công việc sáng tạo nội dung.
Còn bây giờ là một vài công thức tiêu biểu bạn có thể dễ dàng áp dụng để viết những mở đầu hấp dẫn và hiệu quả.
Bước 1: Hãy “vẽ ra” chân dung của độc giả, càng cụ thể càng tốt. Bạn có thể tham khảo lại ví dụ về quản lý sales 41 tuổi bên trên.
Đọc thêm: 7 câu hỏi để nghiên cứu người tiêu dùng cho content marketer
Bước 2: Hình dung xem họ sẽ tiếp cận với bài viết của bạn như thế nào? Họ sẽ tình cờ thấy nó khi đang lướt Facebook, hay bài viết của bạn sẽ hiện lên khi họ search Google?
Bước 3: Nghĩ xem điều gì sẽ khiến bài blog của bạn cụ thể và độc đáo. Đây là bước đòi hỏi tư duy sâu, nó sẽ ép bạn phải trả lời một số câu hỏi khó nhằn, ví dụ như: nội dung của bạn có gì đặc biệt không hay nó cũng như hàng tá bài blog khác trên Internet?
Bước 4: Chọn ra một vài khía cạnh cụ thể và độc đáo để bắt đầu thử nghiệm. Hãy đi thẳng vào vấn đề, đừng tốn thời gian với những câu hỏi tu từ vô nghĩa hay những thông tin độc giả vốn đã biết. Sử dụng những câu khẳng định trực tiếp tại sao bài viết của bạn lại đáng đọc. Nếu bạn viết cho blog cá nhân, hãy xem xét việc bắt đầu với một câu chuyện của chính bạn (để tăng sự độc đáo). Còn nếu là blog của doanh nghiệp, hãy tập trung vào những khía cạnh cụ thể và thực tế nhất.
Tạm kết
Hiểu rõ khách hàng của mình là yếu tố quan trọng giúp bạn gợi mở vấn đề một cách thu hút, “gãi đúng chỗ ngứa” của độc giả và kéo họ theo xuyên suốt bài viết của mình. Vậy phương pháp nghiên cứu để nắm được insight khách hàng mục tiêu là gì? Những ‘pain point’ nào đối tượng gặp phải mà nhãn hàng có thể giải quyết? Làm sao phối hợp hài hoà giữa giải pháp doanh nghiệp và vấn đề của khách hàng? Tất cả những điều này sẽ được giải đáp qua khóa học Content Marketing của Tomorrow Marketers! Tham gia khoá học để củng cố tư duy, từ nghiên cứu thị trường, xây dựng chiến lược đến đánh giá và theo dõi hiệu quả content marketing.