Tại sao nên thử bắt đầu sự nghiệp Marketing tại các tập đoàn FMCG đa quốc gia?

marketing foundation

Tomorrow Marketers – Không tự nhiên mà nhiều bạn sinh viên bị thu hút bởi các chương trình tuyển dụng, các cơ hội làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là trong ngành FMCG. Mỗi mùa tuyển dụng của các thương hiệu lớn nhất thế giới như P&G, Unilever, Suntory PepsiCo, Nestlé, Coca-Cola,… thu hút hàng ngàn lá đơn đăng ký với tỷ lệ chọi cao ngất ngưởng.

Trong bài viết này, cùng TM tìm hiểu những lý do khiến các công ty này trở thành nơi làm việc mơ ước với các Marketers, cùng những khó khăn và những việc cần chuẩn bị khi ứng tuyển các tập đoàn FMCG nhé!

1. Những lý do các tập đoàn đa quốc gia FMCG có thể là nơi lí tưởng để bắt đầu sự nghiệp Marketing

Cơ hội học hỏi và phát triển trong môi trường cạnh tranh với nhịp độ nhanh

Làm Marketing tại các tập đoàn đa quốc gia FMCG mang đến nhiều cơ hội để bạn thể hiện sự sáng tạo thông qua việc tìm kiếm, phát triển ý tưởng mới cho sản phẩm, bao bì, quảng cáo, truyền thông thương hiệu,… Vì đặc thù ngành hàng low-involvement, nhu cầu khách hàng ngành FMCG liên tục thay đổi, các nhu cầu mới liên tục phát sinh. Khách hàng thiếu sự trung thành với một thương hiệu nhất định. Trong khi đó, thị trường cạnh tranh khốc liệt với hàng ngàn sản phẩm thi nhau “lấy lòng” khách hàng, các thương hiệu bị áp lực phải thường xuyên xuất hiện rộng rãi, xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ để khiến khách hàng ghi nhớ và lựa chọn. 

Chính vì thế, làm mới mình là một chiến lược giúp các công ty FMCG tồn tại và phát triển trên thị trường. Theo các báo cáo, ngành FMCG đang liên tục tạo ra các thương hiệu mới. 40% thương hiệu trong danh sách 100 thương hiệu hàng đầu cách đây 20 năm, đã được thay thế bằng các thương hiệu mới. 

Nếu bạn là người đang tìm kiếm một môi trường làm việc đổi mới, nhịp độ nhanh, thì chắc chắn ngành hàng FMCG là dành cho bạn. Bạn sẽ luôn có những thử thách mới và không bao giờ cảm thấy nhàm chán với công việc của mình. Bạn sẽ nhanh chóng tích lũy kinh nghiệm, trưởng thành hơn và có tốc độ phát triển sự nghiệp nhanh hơn nhiều. Tưởng tượng việc này giống như một người bình thường làm 2 việc trong 2 năm, thì bạn chỉ làm trong 1 năm thôi, với kết quả tương đương (đây là phép mô tả tương đối). Sau cả quá trình nhìn lại, chắc chắn bạn sẽ tự thấy bất ngờ vì cả kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của mình đã được nâng cao lên rất nhiều. 

Làm Marketing tại các tập đoàn đa quốc gia FMCG quy mô lớn, bạn cũng được tiếp cận tới rất nhiều cơ hội việc làm ở các vị trí khác nhau từ Sale, Brand đến Trade Marketing,… Vì có nhiều cơ hội, nên bạn có thể thoải mái trải nghiệm nhiều vị trí khác nhau nếu thấy chưa phù hợp. Nhiều chương trình Management Trainee ở các công ty FMCG còn xây dựng sẵn lộ trình luân chuyển phòng ban mỗi 06 tháng, để khuyến khích sự trải nghiệm của nhân viên.

Chị Hương Linh – Management Trainee Marketing tại HEINEKEN chia sẻ: “Sản phẩm từ nhà máy đến tay người tiêu dùng cần đi qua 3 phòng ban khác nhau. Vì vậy, mọi người cần thấu hiểu nhau và phối hợp nhịp nhàng với nhau. Việc luân chuyển là cần thiết để giúp các bạn MT tại HEINEKEN hiểu toàn bộ quy trình làm việc. Khi luân chuyển qua các phòng ban, bạn sẽ có cơ hội nhìn thấy những lát cắt khác nhau của doanh nghiệp và làm việc với những đối tác khác nhau.”

Đọc thêm: Giải mã ẩn số phòng ban Marketing, Finance, Human Resources tại HEINEKEN Asia Pacific Graduate Program

Được tiếp xúc với nhiều công nghệ mới, được làm Marketing đa kênh với ngân sách lớn, trên quy mô lớn 

Với đặc thù cần độ phủ rộng, len lỏi vào từng ngóc ngách, khoảnh khắc nhỏ nhất trong cuộc sống người tiêu dùng, các chiến dịch Marketing của ngành hàng FMCG sử dụng rất nhiều kênh khác nhau như: quảng cáo trên TV, quảng cáo trên các kênh digital, OOH, activation tại điểm bán,… Vậy nên ngân sách mỗi năm dành cho Marketing của các công ty này rất lớn, cao hơn hẳn so với các ngành hàng khác, đặc biệt là ở các công ty quy mô lớn.

Khi nắm trong tay ngân sách lớn, chi cho nhiều kênh khác nhau, Marketers tại các tập đoàn FMCG có nhiều đất diễn hơn. Dù chưa có báo cáo chính xác nào cho biết mỗi công ty chi tổng bao nhiêu ngân sách cho toàn bộ hoạt động Marketing, nhưng chắc chắn con số có thể lên tới hàng triệu đô. Theo thống kê từ Statista năm 2021, top các công ty chi nhiều tiền nhất cho riêng hoạt động quảng cáo đã xuất hiện nhiều cái tên lớn trong ngành FMCG như: P&G xếp thứ 1 với 8,1 triệu USD, Unilever xếp thứ 3 với 4,7 triệu USD, Nestlé xếp thứ 7 với 2,6 triệu USD, Coca-Cola xếp thứ 11 với 2,3 triệu USD,… 

Nhờ có ngân sách lớn, bạn cũng có cơ hội tiếp xúc sớm với các tiến bộ công nghệ mới như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), sử dụng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI), sử dụng các công cụ quản lí dữ liệu khổng lồ,… Đây là những điều mà nhiều đồng nghiệp ở các công ty quy mô nhỏ hơn như các Start-up, SMEs,… ao ước nhưng thường không đủ ngân sách thực hiện.

Hơn nữa, tại các công ty FMCG, hoạt động Marketing rất được coi trọng và phòng Marketing thường tiên phong, có quyền lực đưa ra các hoạt động định hướng chiến lược cho công ty. Nhờ vậy các Marketers sẽ sở hữu cái nhìn tổng quan, cơ hội trải nghiệm đa kênh, từ đó tăng vốn kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm đa dạng, bạn sẽ trưởng thành nhanh hơn. 

Giống như tại các kỳ Olympic, không phải tự nhiên mà các vận động viên tới từ các nước như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh,… luôn dẫn đầu về số huy chương vàng trên bảng tổng sắp. Bởi đó là những quốc gia có nền thể thao phát triển và có chiến lược đầu tư và phát triển thể thao chuyên nghiệp hiệu quả, nên vận động viên ở các quốc gia này được tiếp cận với những cơ sở vật chất hiện đại, được quan tâm đầu tư về cả dinh dưỡng, thể chất, chiến lược, thường xuyên được thi đấu giao hữu, sở hữu kinh nghiệm chinh chiến dày dặn hơn so với các quốc gia khác.

Được tiếp cận lượng dữ liệu khổng lồ, vô cùng hữu ích để đưa ra các quyết định và tối ưu hóa các chiến dịch

Vì phải đưa ra các quyết định mang tính chiến lược và thực thi đa kênh trên quy mô lớn, Marketers tại các tập đoàn FMCG không thể đưa ra các quyết định cảm tính bởi nó có thể tạo ra những tổn thất nghiêm trọng trên diện rộng. Bộ phận Marketing tại đây thường được tiếp cận với hệ thống dữ liệu khổng lồ về:

  • Dữ liệu về khách hàng: Các thông tin về độ tuổi, giới tính, thu nhập, sở thích và hành vi mua sắm của khách hàng để hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của khách hàng.
  • Dữ liệu về sản phẩm: Thông tin về xu hướng và sở thích của thị trường đối với sản phẩm của công ty, giá cả, chất lượng sản phẩm, phản hồi từ khách hàng và đối thủ cạnh tranh.
  • Dữ liệu về doanh số: Số liệu về doanh số bán hàng, lợi nhuận, tốc độ bán hàng,… để đánh giá hiệu quả của chiến lược marketing và điều chỉnh chiến lược phù hợp với mục tiêu kinh doanh.
  • Dữ liệu về thị trường: Dữ liệu về độ lớn và tốc độ tăng trưởng của thị trường, xu hướng tiêu dùng, các mô hình và kênh phân phối để đưa ra các chiến lược marketing phù hợp với thị trường. Các công ty FMCG thường hợp tác với các global agency về dữ liệu, nghiên cứu thị trường như NielsenIQ, Kantar,… để mua và thu thập dữ liệu trên quy mô rất lớn, hỗ trợ việc ra các quyết định chiến lược.
Dữ liệu từ NielsenIQ – hỗ trợ các công ty FMCG ra quyết định chiến lược
  • Dữ liệu về đối thủ cạnh tranh: Bao gồm thông tin về chiến lược marketing của đối thủ, thị phần, vị trí thương hiệu và những điểm yếu của đối thủ để xây dựng các chiến lược marketing cạnh tranh.
  • Dữ liệu về các hoạt động marketing trong quá khứ: Bao gồm kết quả của các chiến dịch trước đó để học hỏi và cải tiến các chiến lược marketing trong tương lai.

Đọc thêm: 5 chỉ số ảnh hưởng đến lợi nhuận mà Marketing và Sales cần lưu ý

Sở hữu những con số này, cùng kỹ năng phân tích và đánh giá dữ liệu, người làm Marketing tại các tập đoàn đa quốc gia FMCG sẽ có những quyết định chiến lược và thực hiện các chiến dịch marketing hiệu quả hơn. Để trang bị quy trình và tư duy phân tích dữ liệu cho các Marketers, bạn đừng bỏ lỡ khóa học Data Analysis của Tomorrow Marketers nhé

Được tiếp cận quy trình làm việc bài bản, hệ thống, đầy đủ

FMCG là ngành hàng có các sản phẩm thiết yếu cho cuộc sống con người, vì thế nó đã tồn tại từ rất lâu, trước nhiều ngành hàng khác. Các tập đoàn ngành FMCG cũng có tuổi đời tới hàng trăm năm. Vậy nên, các công ty thuộc ngành hàng này đã xây dựng cho chính mình một hệ thống kiến thức vô cùng bài bản, đầy đủ, áp dụng trên quy mô rộng lớn, mà các công ty khác khó lòng sánh kịp. 

Hệ thống đào tạo này đã tạo ra nhiều Marketers thành công, giúp họ thực sự hiểu nguyên lí cốt lõi của Marketing, biết cách thấu hiểu người tiêu dùng và nhu cầu của họ, lấy đó làm trọng tâm cho mọi chiến lược được đề ra. Sau đó, các Marketers được áp dụng lý thuyết vào các chiến lược của các nhãn hàng, ngành hàng cụ thể.

Nhờ vậy, các Marketers sẽ sở hữu cách tư duy logic và khả năng lập kế hoạch thông minh. Kể cả tương lai không còn làm việc trong ngành hàng FMCG, những kiến thức nền tảng, các tư duy cốt lõi về cách làm Marketing vẫn có thể áp dụng với những ngành hàng khác.

Mức lương, phúc lợi hấp dẫn, lộ trình thăng tiến rõ ràng

Các công ty FMCG thường có chế độ lương thưởng, phúc lợi tốt và các chương trình đào tạo chuyên nghiệp. Một khi bạn làm việc tốt thì chuyện làm Marketing lương ngàn đô không còn là lời nói dối của ai đó nữa. Vì vậy, tỉ lệ chọi của các chương trình tuyển dụng như Management Trainee hằng năm có thể lên đến 1/400 hay 1/1000. Khi vào đây, bạn sẽ có cơ hội tiếp xúc với nhiều người giỏi, nếu biết tận dụng thì bạn sẽ học được rất nhiều từ chính các đồng nghiệp và sếp của mình.

Hệ thống cấp bậc các vị trí trong công ty của các công ty ngành FMCG rất rõ ràng. Ví dụ với mảng Branding trong các công ty FMCG, lộ trình thăng tiến của bạn có thể đi từ Assistant Brand Manager, Brand Manager, Marketing Director rồi tới VP Marketing/CMO. Mỗi vị trí này đều có những yêu cầu rất rõ ràng về kiến thức, kỹ năng thực thi, lên chiến lược tới kỹ năng quản lý, lãnh đạo. Bạn hoàn toàn có thể hình dung rõ ràng về lộ trình phát triển sự nghiệp của bản thân trong tương lai xa 5 – 10 năm.

Đọc thêm: Lộ trình thăng tiến ngành Marketing: Từ ABM (Assistant Brand Manager) tới CMO (Giám đốc Marketing)

Ngoài ra, việc được tiếp xúc, làm việc với các anh chị nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, bạn hoàn toàn có thể nhận sự tư vấn về sự nghiệp, giúp bạn định hình rõ ràng các mục tiêu của bản thân, biết mình cần gì, phát triển ra sao, cần trang bị thêm kiến thức, kỹ năng như thế nào.

Nếu muốn tìm hiểu chi tiết lộ trình thăng tiến trong ngành Marketing, đặc biệt tại Client, các tập đoàn đa quốc gia, cùng đi tìm câu trả lời tại Online Free Course “The Guide to Marketing Career” của Tomorrow Marketers nhé. Đồng hành cùng bạn là anh Minh Quang, Founder Tomorrow Marketers, sẽ giúp bạn khám phá ngành Marketing qua việc hiểu tổng quan về các con đường sự nghiệp trong ngành và giúp bạn bạn hiểu chính bản thân mình. Từ đó giúp bạn xây dựng lộ trình phát triển sự nghiệp Marketing cho riêng mình.

Cơ hội cống hiến, có danh tiếng, làm đẹp profile cá nhân

Nhiều bạn trẻ không chỉ muốn có một công việc đơn thuần, họ muốn làm công việc thực sự tạo ra những giá trị tốt đẹp cho xã hội. Các công ty FMCG thì lại chú trọng đầu tư vào các thông điệp, chiến dịch việc tạo ra giá trị sống tích cực cho khách hàng, cùng với các hoạt động CSR

Ví dụ: Chiến dịch “Dove Real Beauty” của dầu gội Dove (thuộc Unilever) – tập trung khuyến khích sự tự tin và chấp nhận bản thân của phụ nữ, giúp họ nhìn nhận vẻ đẹp bên trong của mình; Chiến dịch “Pampers Positive” của bỉm Pampers (thuộc P&G) – nhằm khuyến khích các bà mẹ Việt mạnh dạn vượt qua áp lực của quan niệm truyền thống về cách nuôi dạy con để tự tin nuôi con theo cách của riêng mình; Chiến dịch “Like a Girl” của băng vệ sinh Always (P&G) – khuyến khích sự tự tin của phụ nữ, đặc biệt là trong thể thao, với thông điệp rằng “hành động kiểu con gái” không phải là một điều tiêu cực.

Chiến dịch “Dove Real Beauty” của dầu gội Dove (thuộc Unilever)

Các Marketers cũng có khao khát rằng công việc của mình được công nhận, có uy tín với nhiều người. Đồng thời, nhiều người trẻ tuổi muốn để lại dấu ấn cá nhân trên chặng đường phát triển sự nghiệp. Họ có năng lực mạnh mẽ, sở hữu những ý tưởng đột phá để cải thiện chiến lược của doanh nghiệp, họ mong muốn được làm những công việc đủ sự thách thức, cùng với những cơ hội để phát huy được năng lực của mình. Ngành hàng FMCG chính là nơi phù hợp để đáp ứng những mong muốn đó, với các tên tuổi lớn, lâu năm trong ngành như Coca-Cola, Unilever, Nestlé,…

Hơn nữa, sở hữu những cái tên uy tín này trong bản CV, profile cá nhân không chỉ thể hiện năng lực xuất chúng của bạn, mà còn là một minh chứng, sự đảm bảo rằng bạn sở hữu lượng kiến thức, kỹ năng thực thi xuất sắc. Nhiệm vụ thực thi với những chiến dịch lớn, sử dụng đa kênh với nguồn ngân sách khổng lồ là những kỹ năng mà không phải ai cũng dễ dàng có được. Bạn sẽ dễ dàng có những cơ hội luân chuyển qua các công ty khác, trong chính ngành hàng FMCG và các ngành hàng khác.

2. Rào cản để có được một vị trí Marketing tại các công ty FMCG:

“Muốn ngồi ở vị trí không ai ngồi được, bạn phải chịu được những cảm giác không ai chịu được” – Câu nói truyền cảm hứng kinh điển ca sĩ Sơn Tùng M-TP cũng nói lên những khó khăn mà các Marketers phải đối mặt khi làm việc tại các tập đoàn FMCG. Ai cũng muốn làm những công việc có danh tiếng, có mức lương ngàn đô ngay khi mới ra trường, có cơ hội học tập, thăng tiến rõ ràng,… nhưng không phải ai cũng chịu được những áp lực mà vị trí này mang đến.

Cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi tốc độ làm việc cao

Ngay từ các vòng tuyển dụng, bạn đã phải đối mặt với những thử thách khó nhằn và chiến đấu với rất nhiều đối thủ mạnh. Tham gia vào các vòng thi như Management Trainee, không khó để bắt gặp các “quái vật” sở hữu profile khủng, vô địch nhiều cuộc thi sinh viên, điểm các chứng chỉ cao chót vót, tham gia vô số hoạt động ngoại khóa, CLB, là du học sinh về nước,… 

Khi đã xuất sắc vượt qua được các vòng tuyển dụng và chính thức trở thành một phần của các công ty FMCG, bạn sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều áp lực hơn nữa. Vì công ty đã cho bạn nhiều không gian để học hỏi và phát triển, nên công ty cũng kỳ vọng bạn phải nhanh chóng tiếp thu, lĩnh hội kiến thức và tạo ra kết quả tương ứng.

Bạn cũng được kỳ vọng mang tới những giải pháp đột phá, những ý tưởng sáng tạo, mang đến kết quả vượt bậc cho doanh nghiệp. Chính vì thế bạn phải vô cùng nỗ lực để đạt được tốc độ phát triển nhanh chóng. Bạn phải cạnh tranh với các đồng nghiệp để chứng minh bản thân. Bên cạnh đó, là một người trẻ làm việc trong một môi trường nhiều nhân viên kỳ cựu, bạn sẽ không tránh được những khoảnh khắc phải làm việc, quản lý các anh chị hơn mình nhiều tuổi. Vậy làm thế nào để bạn thuyết phục được những người hơn tuổi thực hiện theo ý tưởng của mình?

Để đạt được tốc độ phát triển nhanh và khả năng làm việc với con người xuất sắc như vậy, bạn cũng phải đánh đổi rất nhiều. Đôi khi bạn có thể rơi vào tình trạng stress cao, cảm xúc mỗi ngày lên xuống như tàu lượn siêu tốc, liên tục phải đối mặt với áp lực từ nhiều phía. 

Đọc thêm: Quản trị viên tập sự (Management Trainee) có là “con dao hai lưỡi” đối với sự nghiệp của người trẻ? Chia sẻ từ Senior Brand Manager – anh Huy Vũ

Đòi hỏi kiến thức vững chắc và kỹ năng cao

So với các kiến thức mà các công ty đòi hỏi, kiến thức Marketing các fresher mới có trên giảng đường đại học chưa có đủ tính thực tiễn. Các bạn có được tiếp xúc qua các case study nhưng đa số chưa hoàn toàn hiểu được phương pháp luận, cách tư duy phía sau.

Không có cơ hội được tiếp xúc với ngành FMCG trên giảng đường, nên kiến thức, thuật ngữ mà chỉ dân trong ngành mới thấu như: frequency, penetration, display, POSM,…ít khi được được truyền đạt tới sinh viên. Hơn nữa, những kiến thức khác của Marketing như Nghiên cứu thị trường, Insight, Big Idea, các mô hình 4C, 4Ps, 7Ps, IMC Plan cần được luyện tập thực tế thì mới có thể thấm được. Dù bạn đã được dạy hay tham khảo tài liệu trên mạng, mà thiếu phần thực hành thì bạn rất khó để biến kiến thức sách vở thành kiến thức của mình, rất khó để biết khi nào, dùng kiến thức nào là hợp lý, khi nào không.

Bên cạnh đó, vì yêu cầu làm việc trong môi trường đa quốc gia, bạn được yêu cầu có vốn kiến thức Tiếng Anh kinh doanh, hiểu các thuật ngữ chuyên ngành để có thể làm việc trơn tru. Thêm một điều khó khăn nữa là làm việc liên phòng ban là một yêu cầu bắt buộc. Cho dù nắm trong tay quyền lực đưa ra các quyết định chiến lược, nhưng bạn cũng phải biết cách trao đổi, thuyết phục các phòng ban khác như Sales, Finance, Product,… thực hiện theo chiến lược mình đề ra. Vì thế, để có thể đáp ứng yêu cầu từ các công ty FMCG, bạn cần học một lượng lớn kiến thức và rèn luyện không ít kỹ năng.

Đòi hỏi sự nhạy bén, khả năng thích ứng nhanh, sẵn sàng đón nhận thử thách

Như đã đề cập bên trên, một Marketers trong ngành FMCG buộc phải thích ứng với môi trường làm việc đổi mới, nhịp độ công việc nhanh chóng bởi thị trường quá cạnh tranh. Các marketers phải nhanh nhạy để phát hiện ra những nhu cầu mới của khách hàng, nhận biết được những thay đổi của thị trường, cập nhật những cải tiến của đối thủ để có hướng thay đổi chiến lược Marketing phù hợp. Làm Marketing trong ngành hàng này mà “bị ì” thì bạn sẽ rất nhanh chóng bị bỏ lại phía sau.

Điều này cũng dẫn đến việc bạn phải chuẩn bị tâm thế luôn sẵn sàng đón nhận thử thách và cơ hội mới. Nghĩa là bạn cần cập nhật kiến thức liên quan đến ngành FMCG, thị trường, sản phẩm và khách hàng để có thể đưa ra chiến lược và phát triển sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Bạn luôn phải sẵn sàng cho những sự đổi mới trong sản phẩm, chiến lược và cách tiếp cận khách hàng. Điều này đòi hỏi bạn phải luôn tiên phong trong việc tìm kiếm và áp dụng các công nghệ mới nhất để tạo ra sản phẩm và dịch vụ tốt hơn.

Nói về những điều thú vị và khó khăn trên hành trình làm một Management Trainee tại tập đoàn Masan, anh Xuân Vinh cựu Masan Young Entrepreneur chia sẻ: “Điều làm anh nhớ nhất về chương trình MT ở Masan có lẽ là thời gian mới về Home Function của mình. Lúc đó nhiệm vụ của anh là phụ trách hoàn toàn cho một dự án mới toanh ở Thái Lan. Dự án này giống như một Startup trong lòng Masan, dù anh hồi đó mới chỉ là Fresher.

Thời gian đó vô cùng áp lực, đôi khi anh đã cảm thấy mình bị quá tải, không biết phải giải quyết ra sao. Anh phải hiểu được tất cả các vấn đề liên quan trong thời gian ngắn, sau đó trình bày với các anh chị ở C-lever, với bác CEO. Cuối cùng thì sau 3 tháng nỗ lực, cùng với việc nhận được nhiều sự hỗ trợ, anh vẫn tồn tại được. Khoảng thời gian này giúp anh rèn luyện được ý chí cố gắng vượt qua khó khăn, ngày càng mạnh dạn đưa ra ý kiến của mình hơn. Đây là “quả ngọt” đầu tiên mang đến cho anh cảm giác chiến thắng chính mình, giống như được nạp thêm nhiều năng lượng cho thời gian tiếp theo để tiếp tục học thêm nhiều thứ, rèn luyện bản thân mình hơn nữa.”

Không phải ai cũng sẵn sàng Nam tiến, làm việc ở nước ngoài

Ngành hàng FMCG mang đến cơ hội làm việc trên toàn quốc và cả những cơ hội làm việc ở nước ngoài. Đối với riêng thị trường Việt Nam, có một điểm mà nhiều bạn trẻ cần cân nhắc đó là đa số các trụ sở của các tập đoàn FMCG lớn thường nằm ở TP.HCM – trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, chứ không phải ở Hà Nội hay Đà Nẵng,… 

Bên cạnh đó, các nhân sự chất lượng cao luôn có nhiều cơ hội luân chuyển công tác ra nước ngoài như Singapore, Thái Lan, Malaysia, HongKong,… bạn buộc phải có khả năng ngôn ngữ tốt, khả năng thích ứng và hòa nhập nhanh để tránh bị cultural shock khi tới làm việc tại một nền văn hóa mới. Và đây cũng thực sự là một thử thách với các bạn trẻ chưa sẵn sàng rời xa mảnh đất quê hương quen thuộc của mình.

Đọc thêm: Nam tiến làm Marketing có gì khó?

3. Muốn làm Marketing tại các tập đoàn đa quốc gia FMCG, Marketers cần chuẩn bị gì?

Mỗi Marketers đều có một câu chuyện riêng trên hành trình chinh phục các tập đoàn FMCG. Tuy nhiên có những điểm rất chung mà các công ty đang tìm kiếm từ các ứng viên. Dưới đây, cùng tìm hiểu về một số cách chuẩn bị để ứng tuyển vào các công ty này, từ chia sẻ từ các Trainers, cựu học viên của TM đã và đang là Management Trainee tại các tập đoàn đa quốc gia nhé.

Có kiến thức Marketing vững chắc

Điều đầu tiên vô cùng quan trọng, dù làm Marketing ở đâu, bạn cũng phải sở hữu tư duy và kiến thức Marketing nền tảng vững chắc. Đó sẽ là nền móng để bạn tiếp cận các hoạt động, chiến lược Marketing đúng đắn. Bạn cần hiểu cách lập kế hoạch Marketing, từ khâu xác định mục tiêu, tìm kiếm Insights, Big Idea cho tới lên kế hoạch thực thi, đo lường kết quả. Ngoài ra, bạn cũng cần nắm các kiến thức về các chiến lược sản phẩm, chiến lược định giá, chiến lược phân phối,…

Đọc thêm: 6 bước lên kế hoạch truyền thông tích hợp (IMC Plan) bài bản

Điều này không có nghĩa là bạn chỉ nắm được kiến thức về mặt lý thuyết đơn thuần. Bạn cần hiểu sâu tới mức hiểu được lý do đằng sau những quyết định của các công ty, có thể nhìn vào các hoạt động thực thi của các công ty hiện tại và đoán ra được ý đồ của các thương hiệu.

Chị Phương Dung – Former Marketing Manager @Suntory Pepsico chia sẻ: “Nói những điều học được trên giảng đường rất bổ ích không có nghĩa các bạn lệ thuộc và cho rằng cứ hoàn thành chương trình Đại học là đủ. Đặc biệt với ngành Kinh tế nói chung và Marketing nói riêng, bạn không thể học được tất cả mọi thứ từ sách vở. Chị khuyến khích các bạn hãy để tâm hơn, chịu khó suy nghĩ, quan sát hơn một chút tất cả những gì gặp ở ngoài đời, ngoài thị trường hiện tại.

Ví dụ, hôm nay bạn là một nhân viên văn phòng, làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ tối. Tan sở, bạn gọi Grab về nhà. Khi ấy, bạn đóng vai trò là người tiêu dùng của Grab. Nếu không để tâm, bạn đơn thuần chỉ đặt cuốc xe đó đi về, mọi thứ tiếp diễn rất bình thường; nhưng nếu để tâm, bạn sẽ quan sát kỹ hơn trải nghiệm từ lúc gọi xe, lên xe, đến lúc về nhà và tự hỏi: “Mình cảm thấy thế nào?”, “Mình thấy cuốc xe này tốt hơn hay tệ hơn cuốc xe đã đi hôm qua?”, “Vì sao điều này lại xảy ra?”, “Nếu mình là Brand Manager của Grab, mình có thể làm được gì tốt hơn không?”,…”

Lắng nghe chi tiết hơn chia sẻ của chị Phương Dung tại bài blog: Phải nỗ lực thế nào mới đỗ được Management Trainee?

Bạn Việt Sơn – Management Trainee tại VP Bank cũng chia sẻ về trải nghiệm ứng tuyển của mình: “Vòng gian nan nhất với mình là vòng phỏng vấn nhóm. Vòng này yêu cầu giải case chỉ trong 30 phút, cần tư duy marketing, tư duy tài chính, cũng như tự tin phản biện với ban giám khảo toàn là nhân sự cấp cao của ngân hàng. Đề bài đặt ra tình huống: một nhãn hàng FMCG dính lùm xùm về hình ảnh, bài toán là làm sao lấy lại hình ảnh thương hiệu và giải quyết vấn đề lợi nhuận. 

Dạng case này liên quan trực tiếp đến Brand Communication thuộc mảng Marketing, một nội dung mà mình khá thích khi tham gia khóa Marketing Foundation của Tomorrow Marketers. Dù các câu hỏi đều tập trung vào khía cạnh tài chính, nhưng nhờ kiến thức Marketing mà mình hiểu được bản chất vấn đề, xem thương hiệu cần thực hiện các bước giải quyết như thế nào, từ đó thấy được các chỉ số tài chính liên quan. Vì vậy mà phần kế hoạch tài chính cũng sát hơn với vấn đề thương hiệu, giúp mình lập luận chặt chẽ khi phản biện với ban giám khảo.”

Hiểu ngành hàng, sản phẩm của công ty muốn ứng tuyển

Muốn ứng tuyển vào bất cứ công ty nào, trước hết bạn phải có hiểu biết về thương hiệu và sản phẩm đó. Về thương hiệu, hãy tìm hiểu: 

Về sản phẩm, bạn cần có hiểu biết về đặc tính, thành phần, công dụng sản phẩm, hiểu về đối tượng khách hàng, phân khúc thị trường mà sản phẩm đang nhắm đến, các kênh phân phối mà sản phẩm đang sử dụng, các chiến lược truyền thông về sản phẩm,…

Sau đó, bạn cần có hiểu biết chung về tình hình thị trường, về ngành hàng nói chung đang diễn ra như thế nào. Bạn nên chăm chỉ cập nhật tin tức trên các trang báo uy tín như Reuters, CNN, The Economist, The Guardian, Adweek, Adage,…

Đọc thêm: Tổng hợp website kiến thức dành cho người làm Marketing – quảng cáo – truyền thông

Nắm chắc những thông tin này không chỉ giúp bạn hiểu bối cảnh đề bài trong các vòng tuyển dụng của các công ty FMCG, mà còn chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn có sự yêu thích và có sự đầu tư, dành thời gian quan tâm tìm hiểu về công ty, sản phẩm.

Sở hữu bộ kỹ năng làm việc chuyên nghiệp: Kỹ năng làm việc nhóm, leadership, quản lý thời gian, quản lý dự án,…

Để đáp ứng được tốc độ phát triển nhanh, đảm bảo được các chiến dịch được thực thi trên quy mô rộng và có được sự phối hợp nhịp nhàng giữa rất nhiều nhân sự trong tổ chức, người làm Marketing tại các tập đoàn đa quốc gia FMCG phải sở hữu bộ kỹ năng làm việc mạnh mẽ.

Chị Mỹ Linh – Former Key Account Manager tại P&G chia sẻ về các kỹ năng chị đã rèn luyện được, qua quá trình trải nghiệm với các cuộc thi từ thời sinh viên và thời gian làm việc tại P&G: “Chị đã học cách để thể hiện quan điểm riêng đồng thời khuyến khích để mọi thành viên đều đóng góp ý kiến. Chị nghĩ kỹ năng tranh luận văn minh, dựa trên dữ liệu thay vì xung đột cá nhân cũng rất quan trọng. Sau những cuộc thi này, chị đã mạnh dạn thử tham gia nhiều hoạt động hơn, và đã vượt qua chương trình Dream Internship của P&G rồi nhận được lời mời trở thành quản lý tại P&G ngay từ trước khi tốt nghiệp.

Các cuộc thi đã giúp chị quen với cường độ làm việc cao, tăng tính kỷ luật. Thật ra, chị nghĩ để thành công thì sự quyết tâm và kiên trì có khi còn quan trọng hơn tài năng. Các cuộc thi đều có deadline nhất định, và để hoàn thành bài thi, chị và các bạn đã có những đêm thức trắng ở quán cafe 24h để làm bài (vì ở nhà chỉ muốn ngủ, không tập trung được). Dĩ nhiên chị không khuyến khích lối sống phản khoa học này, nhưng đôi khi nghĩ lại thì đó là những kỷ niệm đẹp.

Chị học được cách giải một business case thực tế, biết cách phối hợp làm việc nhóm, phân tích, thuyết trình trước đám đông,…Đây cũng là những kỹ năng rất cần thiết cho công việc trong tương lai. Và đó cũng là những kỹ năng giúp bạn trở nên khác biệt nếu thuần thục.”

Chị Mỹ Linh – Former Key Account Manager tại P&G, Trainer tại Tomorrow Marketers

Có thể thấy để tồn tại và phát triển ở môi trường ngành hàng FMCG, mỗi Marketers phải chủ động trau dồi và thành thạo rất nhiều kỹ năng mềm. Nếu bạn muốn được lắng nghe chi tiết hơn chia sẻ từ chị Mỹ Linh, tham khảo bài chia sẻ của chị Mỹ Linh tại Blog của Tomorrow Marketers nhé.

Tạm kết:

Nếu bạn muốn học những bài học mà những Marketer kì cựu phải mất nhiều năm để học từ thực chiến, hãy học Marketing từ các tập đoàn Đa quốc gia, đặc biệt trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Đừng bỏ lỡ khóa học Marketing Foundation của Tomorrow Marketers, với các anh chị Trainers là các Manager tại Unilever, Friesland Campina, Heineken,.. sẽ là người truyền cảm hứng và đồng hành cùng bạn trên con đường chinh phục ước mơ làm Marketer tại các tập đoàn Đa quốc gia này.

Marketing Foundation
Tagged: